10:08, 22/08/2021

Khánh Sơn nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Hiện tại, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được xem là "vùng xanh" duy nhất của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19 khi không còn ca F0. Thời gian này, địa phương bước vào vụ thu hoạch rộ các loại nông sản. Huyện đã kịp thời triển khai các giải pháp để đảm bảo đầu ra cho nông sản, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Hiện tại, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được xem là “vùng xanh” duy nhất của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19 khi không còn ca F0. Thời gian này, địa phương bước vào vụ thu hoạch rộ các loại nông sản. Huyện đã kịp thời triển khai các giải pháp để đảm bảo đầu ra cho nông sản, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.


Giữ vững “vùng xanh”


Ngày 3-8, huyện Khánh Sơn ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên tại thôn Suối Đá (xã Ba Cụm Bắc). Ngay lập tức, địa phương đã đưa bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến Cam Lâm; tổ chức phong tỏa tạm thời toàn bộ thôn Suối Đá với 267 hộ và 952 nhân khẩu; nhanh chóng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly F1, F2 theo quy định.

 

Lấy mẫu test nhanh Covid-19 đối với những người vào thu mua nông sản ở Khánh Sơn.

Lấy mẫu test nhanh Covid-19 đối với những người vào thu mua nông sản ở Khánh Sơn.


Đến nay, ca F0 đã được xuất viện và chuyển về theo dõi tại gia đình, các F1, F2 cũng hoàn thành thời gian cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Trung tâm Y tế huyện đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 150 người tại vùng có dịch ở 3 thôn: Dốc Trầu, Suối Đá, Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc). Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở huyện đã được khống chế, kiểm soát. Qua công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát và giám sát cộng đồng, địa phương chưa ghi nhận thêm trường hợp F0, F1 mới phát sinh.


Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện, toàn huyện hiện không có thôn, tổ dân phố thuộc diện nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao; có 31/31 thôn, tổ dân phố ở mức bình thường mới không có dịch. Huyện đã triển khai các giải pháp bảo vệ “vùng xanh” nghiêm túc, duy trì thường xuyên, liên tục công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng; phát hiện, cách ly, theo dõi sát sao người từ vùng dịch trở về. Huyện đã thành lập 31/31 tổ tự quản an toàn phòng, chống Covid-19 nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ, bảo vệ “vùng xanh”, không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát người ra vào ở 2 chốt cửa ngõ của huyện đặt ở khu vực Đỉnh Đèo (xã Ba Cụm Bắc) và xã Thành Sơn.


Khơi luồng tiêu thụ nông sản

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Khánh Sơn mới đây, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện nỗ lực hơn nữa trong việc tiêu thụ nông sản để người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống; thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; quan tâm đến công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu và người dân. Các xã, thị trấn tổ chức tiêu thụ nông sản cho người dân, song phải nắm chắc tình hình di biến động người ở các nơi đến; việc tiêu thụ nông sản cần đi cùng với xây dựng thương hiệu mạnh, xây dựng sàn thương mại điện tử.

Khánh Sơn hiện có 2.962ha diện tích cây ăn quả đang vào mùa thu hoạch, dự kiến tổng sản lượng đạt hơn 7.100 tấn. Trong đó, sầu riêng chiếm diện tích và sản lượng lớn nhất với 1.731ha và 6.240 tấn. Đến nay, huyện đã tiêu thụ được hơn 3.000 tấn. Dự kiến hết tháng 8, huyện sẽ tiêu thụ thêm khoảng 4.000 tấn. Giá các loại trái cây như: Sầu riêng, măng cụt, mít, bưởi da xanh, chuối, quýt, chôm chôm… đều giảm từ 10 đến 20% so với năm trước. Tác động của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, địa phương đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ khơi luồng tiêu thụ nông sản cho người dân. Huyện đã cho người dân đăng ký tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sầu riêng; tổ chức đối thoại với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân ở các xã, thị trấn để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn và tìm cách tháo gỡ; triển khai hướng dẫn các phương tiện vận tải đăng ký “luồng xanh” để vận chuyển nông sản; hỗ trợ thương lái, công nhân thu hái, lái xe từ các tỉnh khác vào huyện để thu hoạch, thu mua nông sản.


Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, xã đã rà soát, tổ chức 8 điểm tập kết nông sản. Tiếp đó, thực hiện phân “luồng xanh” cho nhà vườn bằng cách phối hợp với 2 chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở 2 đầu cửa ngõ của huyện để thực hiện các quy định y tế bắt buộc đối với người vào thu mua, thu hoạch. Khi những người thu mua, thu hoạch đến xã thì các tổ Covid cộng đồng sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ. Những người này chỉ được lưu lại địa phương trong 24 giờ, nếu quá thời gian trên sẽ buộc đưa đi cách ly. Chính nhờ đó, việc tiêu thụ nông sản hàng ngày cho người dân trong xã vẫn diễn ra và đảm bảo phòng, chống dịch.


“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân để sản xuất và tiêu thụ ổn định nông sản. Đồng thời, vận động các nhà vườn sớm thực hiện chốt giá bán tại vườn, ký kết hợp đồng với các đơn vị thu mua từ đầu vụ để tránh tình trạng giảm giá khi thu hoạch đại trà”, ông Nguyễn Văn Nhuận cho biết.


Giang Đình