10:08, 01/08/2021

Bắt đầu hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Hiện nay, người bán vé số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được nhận tiền hỗ trợ đợt 1 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đang được các địa phương, đơn vị kiến nghị, tháo gỡ nhằm giúp các đối tượng sớm được thụ hưởng.

Hiện nay, người bán vé số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được nhận tiền hỗ trợ đợt 1 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đang được các địa phương, đơn vị kiến nghị, tháo gỡ nhằm giúp các đối tượng sớm được thụ hưởng.


Hỗ trợ đợt 1 cho 786 người bán vé số


Vừa qua, tại Đại lý vé số TP. Cam Ranh, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa tiến hành chi hỗ trợ cho người bán vé số trên địa bàn. Do thủ tục, hồ sơ đã được thẩm tra, xác minh rõ ràng trước từ địa phương nên công tác chi trả diễn ra nhanh, gọn. Lao động bán vé số rất phấn khởi khi được nhận 1,5 triệu đồng/người. Ngồi xe lăn tới lãnh tiền, ông Lê Văn Minh (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật 2 chân từ nhỏ. Nghề bán vé số là nguồn thu nhập chính của tôi hơn 10 năm qua. Vì dịch Covid-19 nên gần 1 tháng nay tôi phải nghỉ bán. Mấy ngày đầu nghỉ còn có ít tiền tích cóp để chi tiêu, sau đó phải nhờ người dân trong khu dân cư hỗ trợ. Trong lúc khó khăn, được nhận 1,5 triệu đồng tôi rất mừng. Tôi chỉ mong dịch sớm hết để được đi bán vé số trở lại”. Được biết, gia đình ông Minh có hoàn cảnh rất khó khăn, bị khuyết tật nhưng phải nuôi dưỡng bố mẹ già đã 90 tuổi.

 

Ông Lê Văn Minh được nhận hỗ trợ.

Ông Lê Văn Minh được nhận hỗ trợ.


Ông Cao Trung Chính (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) cho biết: “Đây là số tiền rất quý giá đối với gia đình. Trước đây, mỗi ngày đi bán vé số tôi kiếm được gần 200.000 đồng, lo sinh hoạt cho con và bố mẹ già. Gần 1 tháng nay, phải nghỉ bán do dịch nên cuộc sống của gia đình gặp khó khăn. Mấy ngày qua, cả nhà sống nhờ những suất quà hỗ trợ từ nhà hảo tâm”. Gia cảnh ông Chính khá khó khăn. Năm 2014, ông bị tai nạn giao thông dập nát cả hai chân. Vì vậy, người vợ đã bỏ ông và con gái ra đi không lời từ biệt. Sau nhiều năm điều trị, đôi chân của ông vẫn không thể lành lặn. Thương con, ông cố gắng đi bán vé số để kiếm tiền lo cho gia đình…


Bà Huỳnh Ngọc Lệ Dung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có hơn 1.300 lao động bán vé số lưu động. Đợt 1, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 786 người với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, gồm: TP. Cam Ranh 245 người, TP. Nha Trang 331 người, huyện Diên Khánh 111 người và huyện Vạn Ninh 102 người. Đến nay, công ty đã phối hợp với các địa phương chi trả xong đợt 1 và trình UBND tỉnh xem xét đợt 2 với hơn 300 người. Riêng thị xã Ninh Hòa đang hoàn thiện hồ sơ để trình tỉnh trong thời gian tới.


Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ


Tính đến ngày 29-7, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 4.763 đơn vị, 87.695 lao động với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng; xác nhận tham gia bảo hiểm xã hội cho 1 đơn vị đề nghị hỗ trợ 9 lao động ngừng việc. Các ngành chức năng đã trình UBND tỉnh phê duyệt cho 17 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, 1 lao động đang mang thai và 2 lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 66 triệu đồng; trình duyệt hỗ trợ đối với 987 F0 và 4.101 F1 là trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế. Đồng thời, trình UBND tỉnh xem xét 72 hồ sơ viên chức hoạt động nghệ thuật. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã duyệt cho 2 doanh nghiệp vay hơn 600 triệu đồng để trả lương cho 146 lao động. Ngoài ra, các ngành, địa phương đã tiếp nhận hơn 2.300 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của lao động tự do (đã chi hỗ trợ cho 786 người bán vé số lưu động).


Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ, nhiều địa phương đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Lãnh đạo huyện Diên Khánh cho biết, trên địa bàn có nhiều lao động giúp việc nhà, phụ việc ở các quán ăn nhỏ, vỉa hè chưa nằm trong danh sách thuộc đối tượng được hưởng chính sách. Do vậy, tỉnh cần xem xét bổ sung nhóm đối tượng này vì họ rất khó khăn. Đồng thời, cần hướng dẫn việc xác định rõ hộ kinh doanh để thực hiện chính sách. Theo lãnh đạo TP. Nha Trang, các công trình xây dựng nhỏ phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch nên có nhiều lao động bị mất việc. Do vậy, tỉnh cần bổ sung thêm đối tượng này được hưởng chính sách. Trong khi đó, TP. Cam Ranh kiến nghị bổ sung đối tượng cào sò, bắt ốc được hỗ trợ. Ở Vạn Ninh, có nhiều cơ sở sản xuất mặt hàng thiết yếu nhưng lo ngại dịch bệnh nên họ tự nghỉ, kéo theo nhiều lao động không có việc làm. Do vậy, tỉnh cần xem xét bổ sung đối tượng lao động làm việc ở những cơ sở này…


Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đây là chính sách hỗ trợ rất nhân văn và cần thiết. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm bắt rõ về chính sách. Đồng thời, đẩy nhanh việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục đảm bảo đúng quy định cho các nhóm đối tượng. Tất cả vì mục tiêu để các đối tượng sớm được thụ hưởng chính sách. Trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc, các địa phương cần báo cáo sở để giải quyết và trình UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin ý kiến chỉ đạo.


VĂN GIANG