11:03, 07/03/2021

Những người phụ nữ kiên trung

Với tinh thần "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không ít phụ nữ cả hai miền Nam, Bắc đã hy sinh tuổi trẻ, góp sức cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối mặt với đạn bom, với đòn roi tra khảo của kẻ thù, họ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không ít phụ nữ cả hai miền Nam, Bắc đã hy sinh tuổi trẻ, góp sức cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối mặt với đạn bom, với đòn roi tra khảo của kẻ thù, họ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

 

zzBác sĩ Thu Hà cùng chồng thăm bia lưu niệm di tích lịch sử cách mạng ở Quế Sơn, Quảng Nam năm 2014.

Bác sĩ Thu Hà cùng chồng thăm bia lưu niệm di tích lịch sử cách mạng ở Quế Sơn, Quảng Nam năm 2014.


Nữ chiến sĩ 2 lần vào lao tù của địch


Năm 1965, ở tuổi 19, trong khi bạn bè cùng lứa tính chuyện chồng con, cô gái Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1946, quê xã Diên An, huyện Diên Khánh) lại “nhảy núi” đi làm cách mạng. Chuyện cũng chẳng có gì lạ khi người con gái ấy sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Ngôi nhà ở Diên An là cơ sở bí mật, cán bộ cách mạng nằm vùng vẫn thường xuyên lui tới.

 

Bà Nguyễn Thị Hạnh xem lại các hình ảnh hoạt động của  Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày TP. Nha Trang.

Bà Nguyễn Thị Hạnh xem lại các hình ảnh hoạt động của Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày TP. Nha Trang.


Giờ đây, đã bước vào tuổi 75 nhưng bà Hạnh (ở 74B đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Nha Trang) vẫn nhớ như in những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi. Rời gia đình, lên chiến khu Hòn Dữ, bà được tổ chức phân công làm nhân viên đánh máy và y tế. Năm 1966, quân Nam Hàn tổ chức càn quét lên chiến khu Hòn Dữ. Bà Hạnh cùng một số đồng chí trong đơn vị bị bắt khi đang trốn trong gộp đá. Sau một ngày đêm bị trói ở giữa trảng tranh, địch điều trực thăng chở cả nhóm về Ninh Hòa tra khảo. “Suốt gần một tháng trời, địch chỉ cho đồ ăn và nước uống, không cho tắm giặt nên áo quần đầy rận. Dù bị châm điện đến ngất xỉu, trước sau như một, tôi chỉ khai là mình công tác ở bộ phận hậu cần, được giao làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất nên không biết về quân số, các điểm đóng quân của phe cách mạng…”, bà Hạnh nhớ lại.


Sau khi hoàn tất việc lấy cung, quân Nam Hàn đã bàn giao các chiến sĩ cách mạng bị bắt cho ngụy quân ở Nha Trang. Người nữ cán bộ ấy lại tiếp tục chịu những ngón đòn tra tấn nặng nề hơn, bị địch dùng roi đuôi cá đuối đánh đập rách hết thịt da, có khi lại dìm xuống bể nước xà phòng... Không tra khảo được gì hơn nên địch đưa bà về giam giữ ở Quân lao Nha Trang (đường Cao Bá Quát hiện nay) rồi đưa ra tòa án binh xét xử, tuyên án 2 năm tù. Thụ án hơn 1 năm, bà được ân xá.


Theo yêu cầu của tổ chức, bà ở lại gia đình, tìm cơ hội hoạt động bí mật. Năm 1969, bà Hạnh vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại nhà, rồi được giao làm Bí thư Chi bộ vùng A - Diên An. Năm 1973, quân ta phát động phong trào diệt ác. Biết địch cất giấu vũ khí ở chùa Hoa Tiên (cạnh cầu Thành - Diên Khánh) với 75 khẩu súng, bà Hạnh đã đề xuất với cấp trên về kế hoạch phá hủy kho vũ khí này. Với tinh thần đảng viên, bà Hạnh đã đích thân mang lon Coca nhồi đầy thuốc nổ C4, có gắn kíp nổ hẹn giờ đi phá kho súng của địch. Sau chiến công này, bà còn lãnh đạo chi bộ lên kế hoạch diệt được 2 giặc Mỹ, diệt tên việt gian H.K ở Diên Phú…


Số phận chưa thôi thử thách, tháng 3-1975, bà Hạnh lại bị địch bắt lần thứ 2 khi cơ sở cách mạng bị lộ đã khai ra. Đang ở trong nhà lao của địch, Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng, bà hội ý cùng bạn tù, kêu gọi lính canh phá cổng phóng thích tù nhân.


Bám trụ nơi chiến trường ác liệt


Tập kết ra Bắc khi mới 12 tuổi, tháng 10-1966, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1942, quê ở Đà Nẵng) tình nguyện trở lại chiến trường Khu V ác liệt. Hơn 2 tháng ròng rã vượt rừng Trường Sơn, nữ bác sĩ về quê hương Quảng - Đà. Sau một thời gian ngắn công tác ở bệnh xá tỉnh Quảng Nam, bác sĩ Hà được điều về làm Trưởng Bệnh xá huyện Quế Sơn. Trước bà, 3 bác sĩ làm Bệnh xá trưởng đã hy sinh vì bệnh xá liên tục bị đánh bom. Về đơn vị mới, bác sĩ Hà vừa ổn định tư tưởng cho anh em, vừa khôi phục hoạt động bệnh xá. Được một thời gian, nhận thấy bệnh xá đóng ở trên rừng nên số lượng bệnh nhân thu dung không đủ yêu cầu, bác sĩ Hà đã gặp lãnh đạo huyện xin dời bệnh xá về vùng Trung của huyện Quế Sơn. Về dưới này, sát căn cứ của địch, nguy hiểm hơn nhưng có điều kiện để tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân.

 

Bác sĩ Thu Hà và chứng nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Bác sĩ Thu Hà và chứng nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.


Khi được chấp thuận, tập thể bệnh xá căng mình di chuyển đến địa điểm mới ở chân núi Bằng Thùng (Quế Sơn). Chỉ một thời gian ngắn, lượng bệnh nhân của bệnh xá đã tăng lên rất cao. Giai đoạn 1969 - 1972, cuộc chiến lên đỉnh điểm của sự khốc liệt. Địch vây hãm ráo riết, rất khó khăn và thiếu thốn đủ thứ. Không đủ lương thực, thực phẩm để phục vụ bệnh xá, bác sĩ Hà xuống cơ sở xin gạo, muối, rồi mượn ruộng của dân, khai hoang sản xuất để lấy lương thực, thực phẩm. Thiếu thốn thuốc men, bà phải cho dược tá đi tìm lá cây để rửa vết thương, dùng nước tro giặt băng - gạc, bôi mặt vết thương sạch mủ bằng mật ong rừng. Cực khổ nhất là mỗi khi nghe tin địch càn, bệnh xá phải sơ tán thương binh vào trong hang đá.


Tháng 6-1974, bác sĩ Hà được Khu ủy Khu V cho ra Bắc an dưỡng và đi học tập để nâng cao chuyên môn. 8 năm ở chiến trường, hơn 6 năm làm bệnh xá trưởng ở Quế Sơn, bà đã chỉ đạo và trực tiếp cứu chữa hàng ngàn thương bệnh binh. 32 người về công tác ở Bệnh xá Quế Sơn trong thời gian bà công tác thì có đến 16 người hy sinh. Thậm chí, gia đình ở Hà Nội từng lập bàn thờ cho bà khi nghe tin bà đã hy sinh (người hy sinh là cán bộ y tế ở cùng Bệnh xá Quế Sơn, tên là Phan Thị Thu Hà). “Khi đã vào chiến trường, thế hệ chúng tôi luôn làm việc hết mình, chiến đấu hết mình. Chúng tôi xác định mình có thể sẽ ngã xuống, nhưng đất nước sẽ đứng lên”, bà chia sẻ.


Thời chiến sẵn sàng, thời bình đảm đang, đó là phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Về sinh sống ở Khánh Hòa, dù cuộc sống vật chất không mấy dư dả nhưng bác sĩ Hà vẫn hăng say công tác với 10 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Trung Nam, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh. Mấy năm gần đây, khi chồng (Đại tá Vũ Đình Nã - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5) bị ốm liệt giường, bà mới thôi công tác để dành thời gian chăm lo cho chồng. Nhiều đồng đội cũ đến thăm gia đình đều không khỏi nể phục sự hy sinh thầm lặng của người nữ bác sĩ năm xưa.


Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh cũng suốt một thời gian dài vừa công tác ở Phòng Nội vụ TP. Nha Trang, vừa chăm sóc chồng bị bệnh nặng. Sau khi về hưu, chồng qua đời, bà hăng hái đảm nhận làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày và Phó Chủ tịch Hội gia đình cơ sở cách mạng TP. Nha Trang. Ngoài ra, bà còn tham gia rất nhiều hội và các phong trào đoàn thể ở phường Tân Lập, TP. Nha Trang. Tinh thần cống hiến dường như chưa bao giờ vơi cạn ở người nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa!


XUÂN THÀNH