10:03, 22/03/2021

Chủ động phòng, chống cháy rừng

Trong 6 tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay), nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được xác định có nguy cơ cháy cao. Các địa phương, đơn vị chủ rừng trong tỉnh đang chủ động triển khai công tác ứng phó với phương châm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời.

Trong 6 tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay), nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được xác định có nguy cơ cháy cao. Các địa phương, đơn vị chủ rừng trong tỉnh đang chủ động triển khai công tác ứng phó với phương châm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời.


Nhiều khu vực trọng điểm dễ cháy


Rút kinh nghiệm từ 2 vụ cháy rừng trồng năm 2020, gây thiệt hại 136,33ha rừng tại xã Ninh Xuân và Ninh Đông, ngay từ đầu mùa khô năm nay, UBND thị xã Ninh Hòa đã chỉ đạo các địa phương rà soát các khu vực trọng điểm để chủ động phương án phòng, chống cháy rừng (PCCR). Theo đó, toàn thị xã có hơn 5.222ha rừng có nguy cơ cháy cao, gồm hơn 1.610ha rừng trồng và hơn 3.609ha rừng rự nhiên, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Ninh Sơn hơn 2.077ha, Ninh Tây gần 1.020ha, Ninh Thượng hơn 662ha, Ninh Xuân hơn 168ha, Ninh Phước hơn 144ha, Ninh Trung hơn 74ha và Ninh Vân 30ha. “Tại thị xã Ninh Hòa, diện tích rừng phân bổ tại 25/27 xã, phường. Điều kiện địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, rừng tự nhiên có lớp thảm mục dày, các diện tích rừng keo là những đối tượng rừng có nguy cơ cháy cao nhất”, ông Nguyễn Văn Thanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết.

 

Vụ cháy rừng trồng ở xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa của Ban Quản lý rừng phòng hộ  Bắc Khánh Hòa năm 2020.

Vụ cháy rừng trồng ở xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa năm 2020.

 

 

 


Cũng như nhiều đơn vị chủ rừng nhà nước khác, bước vào đầu mùa khô năm nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đã tiến hành rà soát, xác định các vùng trọng điểm dễ cháy để chủ động ứng phó. Công ty đã xác định được các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy là vùng Khánh Phú - Sông Cầu với 1.104ha; vùng Khánh Thành - Cầu Bà 3.453ha và vùng Khánh Thượng - Giang Ly - Sơn Thái 3.457ha. Các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy là rừng trồng 1, 2 năm tuổi, rừng trồng phòng hộ chưa khép tán. Trên cơ sở xác định vùng trọng điểm dễ cháy, công ty đã xây dựng bản đồ, lên kịch bản chi tiết cho từng khu vực để chủ động khi có tình huống xảy ra.


Tương tự, các địa phương, đơn vị chủ rừng trong tỉnh cũng đã tiến hành rà soát, xây dựng bản đồ khu vực rừng trọng điểm dễ cháy để chủ động công tác ứng phó. Đơn cử như: Huyện Vạn Ninh có 2.300ha; huyện Khánh Sơn hơn 4.400ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa khoảng 2.500ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa hơn 4.000ha; Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà khoảng 3.000ha; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương hơn 2.000ha…


Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Khánh Hòa có gần 240.000ha rừng, trong đó có hơn 61.000ha rừng trồng; gần 500ha rừng thông; hơn 400ha rừng tự nhiên là căm xe thuần loại… Đây là những loại rừng thường xuyên có nguy cơ xảy ra cháy trong mùa khô năm nay. Vấn đề đáng lo là nhiều diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh xen lẫn với các diện tích mía; tình trạng canh tác nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số gần các khu vực rừng trồng; tình trạng đốt than trái pháp luật vẫn còn diễn ra ở một số khu vực; số đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lấy mật ong, thu hái lâm sản trong rừng tăng cao... là những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng trong mùa khô năm nay”.


Chủ động ứng phó


Để chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng, các địa phương trong tỉnh như: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, Cam Lâm… đã xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCR, củng cố đội liên ngành PCCR cấp huyện; kiểm tra dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; tập trung tuyên truyền, vận động người dân sinh sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, PCCR… Tới đây, các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra công tác PCCR của các đơn vị chủ rừng nhà nước và tư nhân.


Bên cạnh xây dựng phương án PCCR, các đơn vị chủ rừng nhà nước gồm các công ty lâm nghiệp và các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ còn tích cực thuê mướn nhân công để thi công ranh cản lửa; vệ sinh rừng để giảm vật liệu cháy; phân công lực lượng tuần tra, ứng trực các khu vực có nguy cơ cháy cao… “Trong 6 tháng cao điểm mùa khô, thời tiết có nhiều ngày liên tục không mưa, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm thấp, cấp độ cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Chúng tôi sẽ tổ chức lực lượng tuần tra, canh coi lửa rừng ở các khu vực rừng trọng điểm nhằm phát hiện sớm các điểm cháy, phối hợp với các lực lượng tại chỗ để chữa cháy kịp thời”, ông Lê Xuân Lý - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa nói.


Theo ông Trần Minh Thu - Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Quan điểm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời; nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tổ chức ứng trực nhằm phát hiện sớm đám cháy để kịp thời dập tắt, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Bên cạnh đó, phải tập trung cho công tác tuyên truyền, nhất là các khu vực có người dân sinh sống, sản xuất gần rừng và ven rừng được làm thường xuyên, với nhiều hình thức. Dự kiến trong cao điểm tháng 5, tháng 6, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh sẽ kiểm tra công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCR tại các địa phương trong tỉnh.


HẢI LĂNG