02:03, 05/03/2021

Cấp nước sinh hoạt nông thôn: Chất lượng chưa đồng đều

Đến nay, hơn 99% người dân vùng nông thôn trên toàn tỉnh đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, các công trình cấp nước nhỏ lẻ chưa đạt yêu cầu nên tỉnh cần tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các công trình cấp nước có quy mô lớn.

Đến nay, hơn 99% người dân vùng nông thôn trên toàn tỉnh đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, các công trình cấp nước nhỏ lẻ chưa đạt yêu cầu nên tỉnh cần tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các công trình cấp nước có quy mô lớn.


Nơi đạt chuẩn, chỗ xuống cấp


Theo thống kê, năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 178.266 hộ gia đình/890.000 người dân sinh sống ở khu vực nông thôn; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,4%, trong đó 66,3% hộ được sử dụng nước sạch.

 

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm nước sinh hoạt tại Nhà máy nước Cam Lâm trong đợt hạn hán tháng 5-2020.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm nước sinh hoạt tại Nhà máy nước Cam Lâm trong đợt hạn hán tháng 5-2020.


Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, qua rà soát 84 công trình cấp nước tập trung nông thôn trên toàn tỉnh, có 35 công trình hoạt động bền vững, 15 công trình tương đối bền vững, 21 công trình kém bền vững và 13 công trình không hoạt động. Những công trình hoạt động bền vững hầu hết được đầu tư trong khoảng 10 năm trở lại đây, có tính chất liên vùng, liên xã, quy mô cấp nước hơn 1.000m3/ngày đêm. Đơn cử tại huyện Diên Khánh, các hệ thống cấp nước liên vùng như: Hệ thống cấp nước sinh hoạt Diên Phước - Diên Lạc - Diên Thọ, Diên Lộc - Diên Bình - Diên Hòa, Diên Xuân - Diên Lâm… đang cung cấp mỗi ngày hàng nghìn mét khối nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ. Chất lượng nước tại các công trình này đều được cơ quan chuyên môn đánh giá đạt tiêu chuẩn. Kết quả khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong năm 2020 cho thấy, toàn bộ mẫu nước tại 19 công trình cấp nước có quy mô hơn 1.000m3/ngày đêm trên toàn tỉnh đều đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống; một số mẫu nước còn đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt với yêu cầu cao hơn.


Điều đáng lưu tâm là chất lượng nước sinh hoạt nông thôn của tỉnh chưa có sự đồng đều. Tại một số công trình cấp nước tự chảy, nhất là ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, việc xử lý nước chưa thực sự bảo đảm chất lượng do công nghệ xử lý đã lạc hậu; chất lượng nước nguồn suy giảm, có nguy cơ ô nhiễm. Ngoài ra, công tác duy tu, duy trì trạm xử lý và đường ống chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng...


Thiếu nước sinh hoạt khi xảy ra thiên tai


Qua đánh giá của Sở NN-PTNT, các khu vực đặc biệt khó khăn, miền núi và ven biển là nơi chịu tác động nặng nề bởi lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Tại thời điểm nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn, thiếu nước vào cuối tháng 5-2020, qua rà soát có hơn 43 khu vực tại các địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Vạn Ninh, Cam Ranh bị thiếu nước sinh hoạt. Tại những khu vực này, toàn bộ giếng đào hầu như cạn kiệt nước; các hệ thống cấp nước thiếu nguồn nước gây ảnh hưởng đến khoảng 2.500 hộ. Cùng với đó, hồ chứa nước Suối Dầu và các nhánh sông nhỏ hợp lưu sông Suối Dầu bị cạn kiệt đã gây thiếu hụt nguồn nước cấp cho hệ thống cấp nước Diên Lộc - Diên Bình - Diên Hòa, huyện Diên Khánh, trong khi hệ thống này đảm nhiệm cấp nước sinh hoạt cho hơn 2.300 hộ/10.000 khẩu thuộc xã Bình Lộc và Diên Hòa.


Để người dân không thiếu nước sinh hoạt, tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp như: Tạm ngừng cấp nước cho mục đích sản xuất, dịch vụ để ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, điều chuyển nước từ vùng có nước sang vùng hạn, khoan giếng… Ngoài ra, tình hình mưa lũ cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các công trình cấp nước khi nhiều đường ống bị cuốn trôi; hệ thống đập ngăn, hộp lấy nước bị phá vỡ; độ đục, tỷ lệ vi khuẩn nước nguồn sông, suối tăng cao, việc xử lý nước gặp nhiều khó khăn…


Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, các công trình cấp nước quy mô lớn, do doanh nghiệp quản lý luôn tốt hơn so với những công trình nhỏ lẻ, do chính quyền cấp xã quản lý. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục khuyến khích  đầu tư vào các công trình lớn, liên vùng. Tháng 2-2021, sở đã có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT có chính sách tăng thời gian thu hồi vốn đầu tư bằng hình thức khấu hao tài sản đối với các công trình cấp nước nông thôn. Hiện nay, thời gian thu hồi vốn quy định là 20 năm trong khi công trình cấp nước nông thôn khoảng 5 năm đầu chưa thể vận hành đủ 100% công suất thiết kế, do người sử dụng nước ở khu vực nông thôn còn ít và phân bố không tập trung. Sở cũng đề nghị Bộ NN-PTNT tạo điều kiện để tỉnh tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm tăng nguồn lực đầu tư, tiến tới mục tiêu tất cả người dân đều được sử dụng nước sạch.


HỒNG ĐĂNG