09:02, 22/02/2021

Tiếp tục tập trung triển khai chuẩn nghèo đa chiều

Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Trao đổi làm rõ hơn về quy định này, cũng như hướng triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa cho biết: 
 

Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Trao đổi làm rõ hơn về quy định này, cũng như hướng triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa cho biết: 
 
- Từ ngày 1-1-2021, cả nước tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59 ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều gồm tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội (DVXH) cơ bản. Cụ thể, mức thu nhập ở nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. DVXH cơ bản gồm việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt DVXH cơ bản gồm việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. 
 
Về chuẩn hộ nghèo, ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu 3 DVXH cơ bản trở lên; ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu từ 3 DVXH cơ bản trở lên. Về chuẩn hộ cận nghèo, ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 DVXH cơ bản; ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu dưới 3 DVXH cơ bản. Về chuẩn hộ có mức sống trung bình, với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng hơn 1,5 triệu đồng đến 2,25 triệu đồng; với khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng hơn 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Nghị định 07 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3.
 
- Trong năm nay và những năm tiếp theo, công tác giảm nghèo sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa bà?
 
- Năm 2020, số hộ nghèo còn lại của toàn tỉnh là 6.968 hộ, giảm 3.175 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 2,09%. Năm 2021, để tiếp tục kéo giảm các chỉ số trên, các cấp, ngành, địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sự vào cuộc của toàn dân và cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; thực hiện chặt chẽ các chính sách giảm nghèo. Cụ thể là đa dạng hóa nguồn vốn; gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người nghèo; triển khai đồng bộ công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất cho hộ nghèo. 
 
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần có sự đổi mới nhằm nêu rõ mục đích của các chính sách là tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững chứ không phải hỗ trợ lúc họ khó khăn. Mặt khác, việc tuyên truyền còn phải giúp người dân ý thực được cái nghèo của mình là gánh nặng cho xã hội để từ đó có ý chí thoát nghèo, làm giàu, có cuộc sống ổn định. 
 
Cuối cùng, các địa phương tiếp tục quan tâm, dành nhiều sự hỗ trợ cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là các cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống. Việc đầu tư phải đạt được hiệu quả để người dân có thể phát triển sản xuất kinh doanh ổn định và thoát nghèo bền vững...
 
- Xin cảm ơn bà!
 
VĂN GIANG (Thực hiện)