10:11, 01/11/2020

Khánh Vĩnh: Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Qua 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2010 - 2020), huyện Khánh Vĩnh đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Qua 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2010 - 2020), huyện Khánh Vĩnh đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.


Những kết quả tích cực


Thực hiện đề án, hàng năm, huyện tổ chức tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách và lợi ích của học nghề. Đồng thời, khảo sát nhu cầu học nghề làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức các lớp học. 10 năm qua, huyện đã mở 62 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp gồm: May công nghiệp, sửa chữa xe máy, mây tre lá, xây dựng, mộc, hàn, chế biến thủy sản, nấu ăn cho 1.714 người; đào tạo nghề trồng cây ăn quả cho 737 lao động. Đặc biệt, có 90% lao động qua đào tạo có việc làm ổn định. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; giúp nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 17,7% năm 2010 lên 45,6% năm 2020.

 

Nhiều lao động ở Khánh Vĩnh sau khi được đào tạo nghề mộc dân dụng đã có việc làm ổn định.

Nhiều lao động ở Khánh Vĩnh sau khi được đào tạo nghề mộc dân dụng đã có việc làm ổn định.


Thông qua các lớp đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Minh chứng là hiện nay, trên địa bàn huyện đã có hàng trăm lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp. Đối với lao động nông thôn, các lớp đào tạo đã giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mô hình sản xuất của gia đình, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị canh tác.


Bên cạnh đó, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện nhiều mô hình thí điểm như: Nuôi cá nước ngọt (xã Khánh Trung), kỹ thuật thú y, kỹ thuật trồng cây công nghiệp (xã Cầu Bà và xã Liên Sang), mộc dân dụng, mộc điêu khắc (thị trấn Khánh Vĩnh). Các mô hình này đã đem lại hiệu quả cao và được nhân rộng, người học biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập tăng lên. Ngoài ra, trong 10 năm qua, Khánh Vĩnh đã cử hơn 600 cán bộ, công chức cấp xã tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội, từ đó kỹ năng xử lý công việc, hiệu quả làm việc được nâng cao.


 Cần tiếp tục triển khai

 

Huyện Khánh Vĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,5% (tương ứng khoảng 13.100 người), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% (tương ứng khoảng 20.300 người), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%.

Theo lãnh đạo huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế. Đó là, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề thiếu chặt chẽ; chất lượng và hiệu quả đào tạo một số nghề nông nghiệp chưa đáp ứng thực tế và nhu cầu đa dạng của thị trường; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hóa tạo ra không có giá trị cao. Vì vậy, hiệu quả của lao động nông thôn sau học nghề chưa cao như: Tỷ lệ hộ thoát nghèo còn thấp, thu nhập chưa ổn định. Phần lớn người lao động là người dân tộc thiểu số, người nghèo, nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn nên họ chỉ muốn làm những công việc phổ thông, giản đơn để có thu nhập ngay.


Ông Nguyễn Thu - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thấy rõ nên cần tiếp tục triển khai đề án giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mở rộng phương thức hỗ trợ đào tạo, bao gồm: Sơ cấp và trung cấp nghề để đáp ứng với nhu cầu của người sử dụng lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; thường xuyên tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Đồng thời, làm tốt việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động để có phương án dạy nghề cho lao động nông thôn; chú trọng đào tạo gắn với định hướng đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn; phát triển và nhân rộng mô hình đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương, đặc biệt là công tác liên kết đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; mở các lớp tư vấn, hướng nghiệp để định hướng cho người lao động lựa chọn nghề phù hợp, giáo dục về ý thức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và pháp luật lao động nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp gắn với việc làm, nâng cao năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, thị trấn...

Văn Giang