11:09, 13/09/2020

Xuất khẩu lao động: "Đóng băng" do dịch Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động xuất khẩu lao động cả nước nói chung, Khánh Hòa nói riêng bị "đóng băng". Nhiều đơn vị tuyển dụng, xuất cảnh lao động đều bị tạm ngừng khiến người lao động rơi vào khó khăn.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) cả nước nói chung, Khánh Hòa nói riêng bị “đóng băng”. Nhiều đơn vị tuyển dụng, xuất cảnh lao động đều bị tạm ngừng khiến người lao động (NLĐ) rơi vào khó khăn.


Đầu năm 2020, ông Lê Văn Hùng (thị xã Ninh Hòa) đã vượt qua kỳ thi tiếng Nhật, đồng thời đã làm visa, hộ chiếu, các thủ tục khác và dự kiến giữa năm sẽ sang Nhật Bản làm việc. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất cảnh của ông buộc phải dừng lại. Ông Hùng cho biết: “Theo đúng lịch trình thì tháng 4-2020 tôi xuất cảnh. Trước đó, tôi đã vay 80 triệu đồng để đóng tiền cọc cho đơn vị cung ứng dịch vụ XKLĐ. Hiện nay chưa biết lúc nào mới xuất cảnh được, trong khi tiền lãi vay ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả”. Được biết, ông Hùng là một trong số hàng chục lao động trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng xuất cảnh, chờ dịch bệnh được kiểm soát mới được đi.

 

Tư vấn tạo nguồn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Tư vấn tạo nguồn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.


Ông Trịnh Xuân Năm - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và cung ứng nhân lực Tràng An Chi nhánh Thanh Hóa (đơn vị được cấp phép tuyển chọn lao động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh) cho biết, do dịch bệnh nên từ đầu năm 2020 đến nay, công ty đã tạm thời dừng việc đưa NLĐ sang thị trường Nhật Bản, Ả-Rập-Xê-Út, Malaysia…; khi nào có thông báo từ cơ quan chức năng về việc dịch bệnh đã được kiểm soát thì đơn vị mới thông báo tới NLĐ để tiếp tục tuyển chọn, đào tạo, xuất cảnh.


Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, không chỉ NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ e ngại đăng ký, mà các đối tác nước ngoài cũng hạn chế việc tiếp nhận lao động, thực tập sinh vào thời điểm này. Năm 2020, trung tâm đặt mục tiêu tạo nguồn XKLĐ cho khoảng 400 NLĐ. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên đến hết tháng 8, trung tâm mới chỉ tư vấn, tạo nguồn XKLĐ được 35 người. Để chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, bên cạnh tư vấn trực tiếp, trung tâm đẩy mạnh việc tư vấn online thông qua trang thông tin điện tử vieclamkhanhhoa.com.vn, cung cấp các thông tin về thị trường lao động để khi hết dịch sẽ triển khai ngay việc cung ứng lao động xuất khẩu. 

 
Qua thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 NLĐ đang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Theo kế hoạch của Đề án Hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, năm 2020 tỉnh đặt mục tiêu đưa 130 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, đến nay đã có hơn 70 NLĐ được xuất cảnh; hầu hết những NLĐ này đều đã hoàn thành thủ tục trong năm 2019. Tuy nhiên, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho NLĐ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế và tạm ngưng XKLĐ.


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH và UBND tỉnh, sở đã yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh hạn chế và tạm ngừng không tổ chức đưa NLĐ đến các khu vực đang có dịch; trong trường hợp cần thiết xuất cảnh, NLĐ phải được hướng dẫn để chủ động biện pháp phòng ngừa, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh tại các nước tiếp nhận lao động; rà soát, thống kê lao động nước ngoài, lao động ngoài nước để kịp thời báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, linh hoạt, có các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch cho NLĐ. Đồng thời, phải cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý và các báo cáo về năng lực của công ty. Trên cơ sở đó, sở sẽ có văn bản thông báo đến UBND cấp huyện, các trường nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tạo điều kiện, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tư vấn, tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi XKLĐ. Bên cạnh đó, liên hệ với đối tác ở các nước trong việc sơ tuyển, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với thực tế; chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để tiếp tục triển khai công tác XKLĐ khi dịch bệnh được kiểm soát. Về phía NLĐ, trong thời gian chờ đợi cần củng cố thêm kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đối tác, có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong công việc.   


Văn Giang