10:04, 09/04/2020

Thay đổi trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (viết tắt là Luật CB-CC-VC) năm 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 với nhiều quy định mới. Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (viết tắt là Luật CB-CC-VC) năm 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 với nhiều quy định mới. Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:

 


Luật CB-CC-VC năm 2019 sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 một cách đầy đủ, toàn diện về: khái niệm; quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập... Hiện nay, Bộ Nội vụ đang soạn thảo dự thảo nghị định của Chính phủ hướng dẫn về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức.


- Được biết, Luật CB-CC-VC năm 2019 mở rộng thêm đối tượng tuyển dụng vào công chức. Bà có thể cho biết rõ hơn về quy định này?


- Luật Cán bộ, công chức hiện hành, Nghị định 161/2018 của Chính phủ và Thông tư 03/2019 của Bộ Nội vụ quy định tuyển dụng công chức qua thi tuyển; chỉ 1 trường hợp được xét tuyển là người có đủ điều kiện và cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo… Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp đặc biệt: người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên; viên chức trong đơn vị sự nghiệp; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp hoặc đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên rồi được điều động, luân chuyển làm ở đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, cơ yếu...; tiếp nhận công chức để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên.

 

Luật CB-CC-VC năm 2019 bổ sung 2 trường hợp xét tuyển: sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học. Đồng thời, bổ sung các trường hợp người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thể tiếp nhận: viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu không phải là công chức.


- Quy định không còn chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức cụ thể thế nào, thưa bà?


-  Luật CB-CC-VC năm 2019 giữ nguyên 2 loại hợp đồng làm việc: không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Nhưng hợp đồng không xác định thời hạn hay chế độ “biên chế suốt đời” chỉ áp dụng với 3 trường hợp: viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.


Viên chức trúng tuyển từ ngày 1-7-2020 đều phải ký hợp đồng xác định thời hạn với thời hạn thực hiện hợp đồng được nâng từ tối đa 36 tháng lên tối đa 60 tháng.

 

Thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức hành chính tỉnh năm 2019  nghe phổ biến quy chế thi.

Thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức hành chính tỉnh năm 2019 nghe phổ biến quy chế thi.

 

- Một trong những nội dung đáng chú ý khác là quy định bổ sung hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức vi phạm. Xin bà cho biết cụ thể?


- Luật quy định 6 hình thức kỷ luật đối với công chức vi phạm gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Trong đó, cách chức, giáng chức chỉ áp dụng với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, còn hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (trước không quy định điều này). Luật bổ sung công chức đương nhiên bị buộc thôi việc trong 2 trường hợp: bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo; bị kết án về tội tham nhũng.


Luật cũng quy định, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy tính chất, mức độ phải chịu 1 trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Cán bộ, công chức vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 đã nghỉ việc, nghỉ hưu cũng áp dụng quy định trên.


Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử lý kỷ luật với công chức là 24 tháng. Luật CB-CC-VC năm 2019 kéo dài thời hiệu: 2 năm với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật khiển trách; 5 năm với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp đến mức phải kỷ luật khiển trách. Đồng thời, quy định 4 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý: cán bộ, công chức là đảng viên vi phạm đến mức phải kỷ luật khai trừ; vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp. Thời hạn xử lý kỷ luật cũng tăng từ 2 tháng thành 90 ngày; từ 4 tháng lên 150 ngày (nếu phức tạp).


- Xin cảm ơn bà!


NGUYỄN VŨ (Thực hiện)