08:02, 24/02/2020

Khánh Vĩnh: Tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế

Thời gian tới, huyện Khánh Vĩnh sẽ giải ngân gần 1,6 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ để thoát nghèo bền vững.

Thời gian tới, huyện Khánh Vĩnh sẽ giải ngân gần 1,6 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) phát triển kinh tế hộ để thoát nghèo bền vững.


Giai đoạn 2013 - 2018, vốn hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo bền vững cho ĐBDTTS và miền núi được huyện Khánh Vĩnh tích cực triển khai, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa như mong đợi. Theo thống kê, giai đoạn này chỉ có 83 hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn sản xuất, đạt 15,06% trên tổng số hộ tham gia thực hiện mô hình; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng không đáng kể (giảm 93 hộ/tổng số hộ nghèo tham gia, đạt 27,47%).

 

Ông Hà Cư - nông dân tiêu biểu của xã Khánh Thượng trong phát triển kinh tế nhờ  vốn hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ của Phòng Dân tộc huyện.

Ông Hà Cư - nông dân tiêu biểu của xã Khánh Thượng trong phát triển kinh tế nhờ vốn hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ của Phòng Dân tộc huyện.


Ông Cao Dê Sy - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân như: hộ tham gia thực hiện mô hình là hộ nghèo, cận nghèo nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; việc lựa chọn mô hình triển khai tại một số xã chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, năng lực của người dân. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác tác động đến việc phát triển kinh tế của người dân như: mưa bão, nắng hạn kéo dài, dịch bệnh diễn biến phức tạp...


Để tăng tính hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ, huyện Khánh Vĩnh tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của hộ dân ở từng địa phương như: trồng thơm, trồng keo, nuôi bò sinh sản, trồng chuối; hạn chế hỗ trợ các mô hình không phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của người dân như: nuôi gà, nuôi dúi. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp được xây dựng nhằm tăng hiệu quả vốn hỗ trợ như: triển khai mô hình trồng điều cao sản tại các xã có địa hình độ dốc cao, không đảm bảo về nguồn nước; với mô hình yêu cầu cao về trình độ sản xuất và kỹ thuật chăm sóc như: sầu riêng, bưởi da xanh, cần kiểm tra thực tế tại điểm thực hiện mô hình, thẩm định đảm bảo phù hợp với điều kiện về đất đai, nguồn nước, khả năng thực hiện của hộ dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hộ được hỗ trợ để kịp thời chấn chỉnh những sai sót; lồng ghép với các chương trình, chính sách khác để tạo điều kiện cho các hộ có nguồn vốn đủ lớn để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình...


Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện, thời gian tới, huyện sẽ giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng hỗ trợ ĐBDTTS phát triển kinh tế hộ để thoát nghèo bền vững. Cụ thể, 13 xã, thị trấn (trừ xã Sông Cầu do 100% hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo ở đây đã được thụ hưởng chính sách này) trên địa bàn huyện sẽ được triển khai hỗ trợ. Mỗi xã, thị trấn sẽ có 10 hộ (7 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo) đáp ứng các điều kiện: chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; chưa được hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo; có chuồng trại để chăn nuôi, có đất để sản xuất, có lao động và chí thú làm ăn, tự nguyện tích cực tham gia xây dựng, nhân rộng mô hình... Mức hỗ trợ cho hộ cận nghèo 10 triệu đồng/hộ, hộ nghèo 12 triệu đồng/hộ. Tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng; trong đó tiền cấp cho các hộ thực hiện xây dựng mô hình hơn 1,59 tỷ đồng, còn lại là phí quản lý cấp huyện và xã. Kinh phí hỗ trợ sẽ được cấp trực tiếp cho các hộ tham gia thực hiện mô hình, chia làm 2 đợt (trừ mô hình nuôi bò sẽ cấp 1 đợt). Đợt 1 sẽ cấp tiền hỗ trợ để người dân mua cây, con giống; đợt 2, sau khi phối hợp thực hiện kiểm tra việc mua cây, con giống đảm bảo số lượng, chất lượng sẽ tiếp tục cấp số tiền còn lại để hỗ trợ người dân mua phân bón, thức ăn, vật tư thiết yếu... duy trì việc thực hiện mô hình. Theo kế hoạch, nguồn hỗ trợ sẽ được giải ngân trong quý I, tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương có thể linh động thay đổi thời gian.


V.THÀNH