11:12, 30/12/2019

Tăng cường công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Liên ngành Vệ sinh An toàn thực phẩm - UBND tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh, tổng số cơ sở thực phẩm được quản lý là 18.566...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Liên ngành Vệ sinh An toàn thực phẩm - UBND tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh, tổng số cơ sở thực phẩm được quản lý là 18.566, trong đó cơ sở sản xuất chế biến 1.986, cơ sở kinh doanh thực phẩm 4.514, cơ sở dịch vụ ăn uống 3.505 và cơ sở thức ăn đường phố hơn 8.500 cơ sở. Theo phân cấp quản lý, ngành Y tế quản lý 12.422 cơ sở (cấp tỉnh 1.113; huyện 3.861; xã 8.561 cơ sở). Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 3.024 cơ sở; ngành Công Thương quản lý 3.120 cơ sở. Tại cấp xã, 100%  xã, phường, thị trấn có Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh An toàn thực phẩm.


Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh An toàn thực phẩm và của UBND tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu ban hành Kế hoạch số 3908/KH-BCĐLNVSATTP về triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội xuân 2020 trên địa bàn tỉnh.

 

Tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm tại UBND phường Tân Lập.

Tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm tại UBND phường Tân Lập.


Theo báo cáo của ban chỉ đạo, từ ngày 25-11-2019 cho đến hết tháng 12-2019 trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Cục Quản lý thị trường luôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thực tế qua đánh giá, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức tốt việc đảm bảo an toàn trong sản xuất, chế biến; kinh doanh thực phẩm. Các cơ sở đa số thực hiện tốt các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đã cải tạo, nâng cấp cơ sở khang trang, sạch sẽ, trang bị mới các dụng cụ, thiết bị chế biến thực phẩm; thường xuyên tăng cường vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh khu vực sản xuất, chế biến; các cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thực hiện công bố, tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động và tổ chức xác nhận kiến thức hoặc chủ cơ sở thực hiện ký xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đối với người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.


Ban chỉ đạo tỉnh đã ghi nhận, phần lớn các cơ sở sản xuất thực phẩm đều tiến hành công bố, tự công bố sản phẩm thực phẩm sản xuất tại cơ sở và có biện pháp kiểm soát, duy trì chất lượng sản phẩm như đã công bố. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã có ý thức tốt khi chọn lựa các sản phẩm đảm bảo chất lượng để kinh doanh, sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn sản phẩm đầy đủ nội dung theo quy định và có hồ sơ công bố, tự công bố sản phẩm, sản phẩm còn hạn sử dụng.


Theo ông Nguyễn Duy Long - Phó Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa, về mặt khó khăn, Ban chỉ đạo liên ngành Vệ sinh An toàn thực phẩm ở tuyến xã còn nhiều hạn chế, một số chưa tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cùng nỗ lực tham gia hoạt động trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đối với công tác xử lý các trường hợp vi phạm còn thiếu cương quyết. Ông Long cho biết, các vi phạm thường gặp là về thủ tục hành chính liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm; vi phạm điều kiện của người chế biến, người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; vi phạm liên quan vệ sinh nơi sản xuất; kinh doanh thực phẩm.

 

Tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm tại UBND phường Vĩnh Hải.

Tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm tại UBND phường Vĩnh Hải.


Trong công tác thanh tra, các cơ sở thực phẩm có ý thức hợp tác chưa tốt; không cung cấp hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin tài liệu, cố tình kéo dài thời gian làm việc, có cơ sở gây khó khăn, cản trở hoạt động của đoàn thanh tra. Thực tế cũng cho thấy, nhân lực công tác an toàn thực phẩm của ngành thiếu, trong khi số lượng cơ sở quản lý toàn tỉnh lớn; tại tuyến xã thường giao công việc này cho công chức văn hóa - xã hội kiêm nhiệm, vì vậy chất lượng công tác tham mưu chưa đáp ứng cao so với yêu cầu đặt ra.


Ông Long cũng nhận xét, thói quen của người dân khi mua sắm, tiêu dùng thường thích mua hàng ở những nơi thuận tiện đường đi, mua hàng giá rẻ, được trả giá khi mua, vì vậy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi gặp hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chợ tạm. Một số cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật vẫn chưa đáp ứng được điều kiện về an toàn thực phẩm; một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa trang bị các dụng cụ đo lường cần thiết trong việc sử dụng các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến cho vào thực phẩm nên có tình trạng những chất này vượt quá giới hạn cho phép theo quy định. Ông Long cũng lưu ý, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, phổ biến cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về lĩnh vực an toàn thực phẩm do các cơ quan quản lý tổ chức; vì vậy chưa tuân thủ tốt những nội dung liên quan khi đoàn tiến hành thanh tra.


Trong thời gian đến, Ban chỉ đạo Liên ngành Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh đề nghị toàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên kênh truyền thông đại chúng như: truyền hình, truyền thanh, báo chí và truyền thông trực tiếp các nội dung kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm giúp nâng cao kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm đến mọi người dân trong việc chọn lựa, chế biến thực phẩm; ăn uống hợp vệ sinh để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cần lồng ghép các hoạt động tuyên truyền nội dung  vệ sinh an toàn thực phẩm trong các buổi họp, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2020, qua đó góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng.


Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)