11:11, 17/11/2019

Diên Khánh: Báo động mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, 10 năm qua, Diên Khánh là địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất tỉnh với 120 bé trai/100 bé gái. Đây là tình trạng đáng báo động, cần có sự nỗ lực của ngành Dân số địa phương.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, 10 năm qua, Diên Khánh là địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất tỉnh với 120 bé trai/100 bé gái. Đây là tình trạng đáng báo động, cần có sự nỗ lực của ngành DS địa phương.


Chênh lệch cao


Ông Trà Xuân Ấn - Trưởng khoa DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện diễn ra trong 10 năm nay. Cụ thể, năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh khoảng 111 bé trai/100 bé gái; từ năm 2015 đến nay, tỷ số này luôn ở mức báo động, 120 bé trai/100 bé gái.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh  lấy máu khám sàng lọc sơ sinh cho trẻ.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh lấy máu khám sàng lọc sơ sinh cho trẻ.


Chỉ tính riêng năm 2018, 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hầu hết đều có số trẻ em trai sinh ra cao hơn nhiều so với số trẻ em gái. Cụ thể: Thị trấn Diên Khánh 140 bé trai/107 bé gái; xã Diên Sơn 73 bé trai/ 50 bé gái; xã Diên Phú 64 bé trai/52 bé gái... Chỉ có xã Diên Đồng số bé trai thấp hơn số bé gái là 19 bé trai/25 bé gái và xã Diên Lộc 21 bé trai/ 21 bé gái.


Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do tâm lý mong muốn có con trai để nối dõi tông đường của người dân. Điều này đã tạo ra áp lực lớn cho người phụ nữ về việc phải sinh được con trai. Chính vì vậy, nhiều cặp vợ chồng đã lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi, không ít gia đình chỉ thực hiện KHHGĐ khi đã sinh được con trai.  


Bà Nguyễn Thị Trúc Lan - Chuyên trách DS xã Diên Phú cho biết, khó khăn trong công tác tuyên truyền hiện nay vẫn là nhận thức của các hộ gia đình chưa cao. Nếu không có biện pháp chế tài mà chỉ dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền thì khó cải thiện được tình hình.


Cần giải pháp đồng bộ

 

Theo kết quả tổng điều tra DS, kết thúc năm 2018, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức 115,1 trẻ trai/100 trẻ gái, cao nhất từ trước đến nay. Nếu không can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có nguy cơ dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Theo báo cáo từ Khoa DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện, thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng DS thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã thực hiện 161 ca sàng lọc sơ sinh và 1.035ca sàng lọc trước sinh. Một số xã đã tự tổ chức lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, đơn vị chỉ đạo tuyến cơ sở thực hiện hơn 1.720 lượt thăm hộ gia đình, 415 buổi sinh hoạt nhóm, lồng ghép cấp phát 5.440 tờ rơi, tập san…


Ông Trà Xuân Ấn cho biết, để kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ cân bằng giới tính khi sinh, đơn vị đã tập trung chỉ đạo đội ngũ cán bộ, cộng tác viên DS phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuyên truyền thực trạng và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, hạn chế thấp nhất tỷ lệ chênh lệch giới tính. Đối với các hoạt động truyền thông tăng cường, đơn vị tiếp tục chỉ đạo tuyến cơ sở tiếp cận các đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tổ chức tư vấn cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, các đối tượng di cư và sống xa khu dân cư về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ.


Tuy nhiên, để thu hẹp dần sự chênh lệch giới tính khi sinh không chỉ cần sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc chấp hành tốt các quy định về DS-KHHGĐ.


THANH TRÚC