09:11, 12/11/2019

Cam Bình: Cần hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề

Hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch tại xã đảo Cam Bình, TP. Cam Ranh. Vì thế, những người dân làm dịch vụ - du lịch trên xã đảo đang loay hoay tìm nghề mới. Họ rất mong các cấp có giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch tại xã đảo Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa. Vì thế, những người dân làm dịch vụ - du lịch trên xã đảo đang loay hoay tìm nghề mới. Họ rất mong các cấp có giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống.


Khách du lịch giảm mạnh


Xã đảo Cam Bình, gồm 2 hòn đảo: Bình Ba và Bình Hưng. Đây là 2 đảo án ngữ phía đông vịnh Cam Ranh, có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và các bãi tắm đẹp, phong phú về hải sản. Nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ tôm hùm”, vì có nghề nuôi lâu năm và số lượng lồng bè lớn. Những năm gần đây, 2 đảo này đã thu hút rất đông du khách. Lúc cao điểm, có ngày, 2 đảo đón khoảng 5.000 lượt khách. Khi du lịch phát triển, nhiều hộ đã chuyển sang các hoạt động dịch vụ hoặc vừa kết hợp nuôi tôm vừa làm du lịch. Nhiều người đã đầu tư xây khách sạn cao tầng. Đến nay, toàn xã có 53 khách sạn và nhà nghỉ đăng ký kinh doanh, với 839 phòng (trong đó, đảo Bình Ba có hơn 600 phòng); cùng với đó là hàng chục nhà hàng, bè nổi phục vụ ăn uống, 11 tàu gỗ, 45 ca nô, 47 xe jeep vận chuyển khách trên biển, trên đảo…

 

Bãi biển Bình Ba đã thưa dần khách du lịch.

Bãi biển Bình Ba đã thưa dần khách du lịch.


Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 44/2015 về quy chế đảm bảo an ninh, an toàn Căn cứ quân sự Cam Ranh. Theo đó, xã đảo Cam Bình nằm trong khu vực vành đai an toàn Căn cứ quân sự Cam Ranh nên không được phát triển các loại hình du lịch. Hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch trên đảo. Theo UBND xã Cam Bình, trước khi có Quyết định 44, UBND tỉnh đã cho phép thực hiện 2 dự án đầu tư khu du lịch sinh thái. Đến nay, các dự án này cũng đã tạm dừng, các hoạt động du lịch đang dần bị hạn chế, nhất là đối với các đoàn khách đông người. TP. Cam Ranh đang xây dựng lộ trình tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch tại 2 hòn đảo này. “Hiện nay, lượng khách ra đảo đang giảm mạnh, mỗi ngày, 2 đảo chỉ đón từ 100 đến 500 khách”, ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình nói.


Sớm xây dựng lộ trình chuyển đổi nghề nghiệp


Lượng khách sụt giảm đã khiến các hoạt động kinh doanh du lịch trên đảo trở nên đìu hiu. Các nhà hàng, khách sạn vắng khách, kinh doanh ế ẩm. Bà Nguyễn Thị Thủy (đảo Bình Ba) chia sẻ: “Những người dân làm du lịch như chúng tôi bây giờ không biết phải làm gì? Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, quán ăn và những người làm dịch vụ du lịch rất lo lắng; phần thì lo thu nhập giảm, phần thì lo không biết trả nợ ngân hàng bằng cách nào. Một số người đầu tư xây khách sạn lớn đang dang dở, giờ phải dừng thì nguy cơ đổ nợ là rất lớn”.


Ông Phạm Văn Phú - hướng dẫn viên du lịch người địa phương cho biết, mấy tháng nay, khách du lịch thưa dần, các hướng dẫn viên như ông không có việc làm, thu nhập giảm sút hẳn. “Nhiều người đầu tư vào xe jeep, mô tô nước để phục vụ khách du lịch cũng gặp không ít khó khăn. Giờ tôi chẳng biết làm gì, cũng đã nghĩ đến việc nuôi tôm, nhưng lại không có vốn lớn”, ông Phú nói.


Ông Nguyễn Ân cho biết, xã Cam Bình hiện có hơn 5.400 hộ. Trước năm 2010, người dân làm nghề đánh bắt thủy sản và nuôi trồng thủy sản là ngang nhau. Đến năm 2015, số hộ đánh bắt hải sản giảm còn 20%, nuôi trồng hải sản tăng lên 60%, chuyển sang làm du lịch 20%. Đến năm 2019, số hộ đánh bắt hải sản giảm còn 10%, nuôi trồng hải sản 50% và làm du lịch tăng lên 40%. Chính nhờ sự phát triển dịch vụ - du lịch đã giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giúp địa phương đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bây giờ chấm dứt hoạt động du lịch, những người dân làm dịch vụ du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Trước mắt, UBND xã đang tuyên truyền người dân không đầu tư thêm vào dịch vụ du lịch. “Chính quyền địa phương mong muốn tỉnh và thành phố quan tâm, sớm xây dựng phương án, lộ trình cụ thể để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng. Cụ thể, sớm quy hoạch lại vùng nuôi hải sản để người dân yên tâm phát triển; đào tạo nghề phù hợp và tạo điều kiện cho người dân vay vốn làm ăn, chuyển đổi nghề nghiệp; xem xét tạo điều kiện cho các hộ vay vốn đầu tư vào du lịch giãn thời gian trả nợ. Vì hiện nay rất nhiều người dân đang lâm vào cảnh khó khăn do kinh doanh không còn hiệu quả”, ông Ân nói.


Minh Thiết