09:10, 13/10/2019

Gia tăng nợ bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách rất cần thiết cho người lao động (NLĐ) khi nghỉ việc, hoặc bị mất việc làm chờ tìm công việc mới...

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách rất cần thiết cho người lao động (NLĐ) khi nghỉ việc, hoặc bị mất việc làm chờ tìm công việc mới. Thế nhưng, tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm này đang diễn ra phổ biến làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
 
Người lao động mất quyền lợi
 
Theo quy định hiện nay, mức đóng BHTN là 3%. Trong đó, DN đóng 1%, NLĐ 1% và ngân sách Trung ương hỗ trợ 1%. Với chính sách này, NLĐ khi nghỉ việc hoặc không may bị mất việc làm, NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng từ nguồn quỹ BHTN trong khoảng thời gian chờ tìm công việc mới. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ chi phí học nghề, nâng cao tay nghề nếu có nhu cầu. 

 

Người lao động tìm hiểu và đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tạia Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Người lao động tìm hiểu và đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tạia Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
 
Khi DN nợ BHTN thì NLĐ sẽ không được chế độ này. Trường hợp anh Nguyễn Văn Hoàng (TP. Nha Trang) là minh chứng. Anh Hoàng làm việc tại Công ty Cổ phần P.N (TP. Nha Trang) hơn 5 năm. Vì lý do gia đình nên anh xin nghỉ việc. Thế nhưng, khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký thì anh mới biết mình không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bởi công ty đang còn nợ bảo hiểm xã hội và BHTN. Anh Hoàng cho biết: “Tôi rất bức xúc vì mất quyền lợi chính đáng do công ty nợ bảo hiểm. Tôi mong các ngành chức năng vào cuộc yêu cầu công ty thanh toán tiền nợ bảo hiểm để trả lại quyền lợi hợp pháp cho tôi”.
 
Tương tự, anh Hồ Tấn Đức (thị xã Ninh Hòa) có hơn 4 năm làm việc tại Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Thắng N.T (thị xã Ninh Hòa). Do hoàn cảnh gia đình, anh xin nghỉ việc để làm công việc khác phù hợp hơn. Theo quy định, anh được hưởng 2 tháng lương trợ cấp thôi việc. Thế nhưng, anh không được hưởng vì công ty còn nợ BHTN. Anh Đức chia sẻ: “Khi thôi việc thì cứ thế mà nghỉ chứ tôi cũng không biết mình được hưởng trợ cấp thôi việc. Công ty cũng không đả động gì chuyện này. Chỉ đến khi các ngành chức năng tới kiểm tra thì tôi mới biết mình bị mất quyền lợi chính đáng”. Không chỉ riêng anh Đức, qua kiểm tra của ngành chức năng, hiện tại, Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Thắng N.T có 8 NLĐ khác đã nghỉ việc có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc chưa được công ty giải quyết…
 
Cương quyết xử lý
 
Ông Lê Hùng Chính, Phó Giám đốc quản lý Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, ngoài nợ bảo hiểm xã hội, tình trạng DN nợ bảo BHTN của NLĐ cũng đang diễn biến phức tạp. Tính đến 30-9, toàn tỉnh có hơn 1.700 DN nợ BHTN từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Chính vì vậy, đã có không ít NLĐ không được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng tháng khi thôi việc. Đối với những đơn vị nợ kéo dài, dù các ngành chức năng liên tục thông báo nhắc nhở, làm việc trực tiếp với lãnh đạo DN, thanh kiểm tra nhưng họ vẫn cố tình nợ. Thậm chí, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc nhiều DN khắc phục nợ bảo hiểm xã hội, BHTN, bảo hiểm y tế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Điển hình như: Công ty TNHH Anh Quân Nha Trang nợ hơn 268 triệu đồng; Công ty TNHH Điện Lạnh miền Trung nợ hơn 300 triệu đồng; Công ty Cổ phần Phạm Nguyễn Chi nhánh Khánh Hòa nợ hơn 1,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và sản xuất Thiên phúc Window nợ hơn 130 triệu đồng… “Với những đơn vị nợ đọng bảo hiểm chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, chúng tôi đã chuyển hồ sơ gần 20 DN nợ kéo dài cho công an điều tra xử lý trách nhiệm hình sự”, ông Chính nói.
 
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, khá nhiều DN nợ BHTN của NLĐ. Sở đã yêu cầu các DN khẩn trương chi trả cho NLĐ và báo cáo kết quả khắc phục để sở kiểm tra lại. Về lâu dài, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, ngoài hoạt động thanh kiểm tra của các ngành chức năng, các cấp công đoàn cần tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với DN để có tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ để họ nắm bắt và tự bảo vệ quyền lợi của mình. 
 
VĂN GIANG