10:08, 19/08/2019

Tranh chấp đất rừng tại xã Khánh Hiệp: Cần giải quyết dứt điểm

Gần 2 năm qua, 113 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Ba Cẳng (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) tranh chấp đất rừng với Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Trầm Hương (gọi tắt là Công ty Trầm Hương). Tuy nhiên, việc tranh chấp này không có cơ sở, cần giải quyết dứt điểm.

 

Gần 2 năm qua, 113 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Ba Cẳng (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) tranh chấp đất rừng với Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Trầm Hương (gọi tắt là Công ty Trầm Hương). Tuy nhiên, việc tranh chấp này không có cơ sở, cần giải quyết dứt điểm.


Tranh chấp không có cơ sở


Theo ông Ka Nai Y Vư (dân tộc Ê Đê) - một trong những hộ đứng đơn khiếu nại Công ty Trầm Hương, những năm 1990, hộ ông sinh sống tại khu vực Hòn Lay (xã Khánh Hiệp). Lúc này, Nhà nước có chủ trương xây dựng đập Cà Thêu (Khánh Hiệp) để làm cánh đồng lúa nước nên đã đưa 5 - 6 hộ lên định cư trên phần đất tranh chấp hiện nay. Ông đưa gia đình lên dựng chòi, phát nương rẫy và định cư. Sau một thời gian, ông mở rộng diện tích lên 16ha, trồng bắp, lúa, mì và cất nhà trên nền chòi cũ. Đến năm 1993, Lâm trường Công ích sông Chò (nay là Công ty Trầm Hương) quản lý khu vực này, mượn đất của dân, tiến hành trồng keo và dầu rái, hứa sau khi thu hoạch (5 năm sau) sẽ trả lại. Tuy nhiên, người dân chờ mãi không thấy trả. Đến năm 2017, bão số 12 tàn phá rừng keo, dầu, lúc này Công ty Trầm Hương tiến hành thu hoạch, xử lý rừng trồng nên người dân phát đơn kiện đòi lại đất.

 

Khu vực tranh chấp đất rừng tại tiểu khu 124.

Khu vực tranh chấp đất rừng tại tiểu khu 124.


Tương tự, ông Cao Xuân Cang (dân tộc Raglai) - một hộ tranh kiện khác cho biết, trước ông ở làng cũ gọi là A-ma-la-quin (khu vực đập Cà Thêu) lên phát rẫy 7ha tại khu vực tỉnh giao hiện nay cho Công ty Cổ phần Trang trại Dược liệu Liên Sơn. Cứ vài mùa, ông lại đi nơi khác phát đốt và sản xuất tiếp. Sau một thời gian, ông đi trồng thuốc lá cho Tổng Công ty Khánh Việt. 2 năm sau trở lại, Lâm trường đã trồng keo phủ kín toàn bộ đất nên ông không thể làm rẫy và chăn nuôi được nữa.


Theo lãnh đạo xã Khánh Hiệp, vị trí đất tranh chấp thuộc thôn Ba Cẳng (khoảnh 5, 10, tiểu khu 124 hiện do Công ty Trầm Hương quản lý). 113 hộ có đơn đều khai nhận nguồn gốc đất do gia đình khai hoang, trồng mì, bắp, lúa. Đến năm 1995, Lâm trường lấy đất trồng keo, dầu và sử dụng đến nay. Tuy nhiên, các hộ không cung cấp được giấy tờ liên quan đến khu vực tranh chấp. Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp nhấn mạnh: “Tập quán sản xuất của bà con theo kiểu du canh du cư, nay sản xuất chỗ này, mai sản xuất chỗ khác nên không thể xác định là đã khai hoang. Cũng trong thời gian đó, một số bà con có nhận khoán đã hưởng thành quả của Lâm trường, sau đó giao lại đất cho Lâm trường cũng không phản ánh gì. Thực tế việc phát sinh tranh chấp xảy ra trước bão số 12 năm 2017, khi tỉnh giao đất cho Công ty Liên Sơn sản xuất chứ không phải sau bão số 12 như bà con nói”.


Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Công ty Trầm Hương cũng khẳng định, nguồn gốc đất tranh chấp thuộc quyền quản lý của Công ty Trầm Hương, được UBND tỉnh cấp quyền sử dụng đất tại Quyết định số 30 (6-1-1998). Đất đã trồng rừng dầu rái qua các năm: 1993, 1994, 1995, 1997 và 1998. Bà con cho rằng đất tranh chấp trước đây là đất rẫy của bà con và Lâm trường mượn trồng keo, dầu là không đúng, bởi không có bằng chứng nào chứng minh điều này.


Được biết, trong quá trình tranh chấp đã xảy ra xô xát giữa người dân với lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Trầm Hương. Ông Trung cho hay, người dân kéo vào khu vực tranh chấp quá đông, ngoài nhổ cây, còn dùng cây chống trả lực lượng bảo vệ rừng, buộc lực lượng này phải ra tay ngăn chặn. Hiện nay, công ty đang tổ chức lực lượng bảo vệ rừng lập lán trại, chốt trực tại hiện trường để kiểm tra, tuyên truyền ngăn chặn mọi hành vi vi phạm.


Nỗ lực giải quyết


Ngay sau khi có đơn tranh chấp, huyện Khánh Vĩnh đã huy động các ban, ngành, đơn vị và địa phương xã Khánh Hiệp vào cuộc, kiểm tra, xác minh, vận động, giải thích, ổn định tâm lý người dân, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Tháng 4-2018, huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hồ sơ, tham mưu giải quyết đơn; tháng 5 lập đoàn công tác xác minh; tháng 6, Thường trực Huyện ủy làm việc và yêu cầu tạm ngưng các hoạt động trên phần đất tranh chấp. Sau đó, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ đối thoại giữa chính quyền với người dân. Tuy nhiên, việc tranh chấp vẫn không dừng lại. Các hộ không đồng ý với cách giải quyết của huyện, tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn.


Trước tình hình đó, Huyện ủy Khánh Vĩnh đã báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh giải quyết. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xử lý; đồng thời, ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo giải quyết. Qua vận động, tuyên truyền, giải thích của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã có 51 hộ rút đơn. Trong Thông báo kết luận số 239 ngày 23-4-2019, UBND tỉnh khẳng định, việc khiếu nại của các hộ dân thôn Ba Cẳng, xã Khánh Hiệp về tranh chấp đất đai với Công ty Trầm Hương là không có cơ sở và trái với pháp luật về đất đai hiện hành. UBND tỉnh yêu cầu huyện Khánh Vĩnh thực hiện nghiêm việc quản lý đối với đất lâm nghiệp theo đúng quy định pháp luật, tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động người dân biết và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Công ty Trầm Hương thực hiện quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp được giao theo đúng quy định, báo cáo kịp thời các trường hợp có hành vi lấn, chiếm đất đai, chặt phá rừng về huyện và tỉnh để có chỉ đạo xử lý kịp thời.


Để có cơ sở thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào nghèo thiếu đất sản xuất, huyện Khánh Vĩnh và xã Khánh Hiệp đã tiến hành khảo sát đất đai, kinh tế của 113 hộ này. Kết quả thống kê trong số 113 hộ có đơn tranh chấp, chỉ có 1 hộ thiếu đất sản xuất, còn lại đã được cấp đủ theo quy định, nhiều hộ giàu có (có nhiều sổ đỏ, nhà cửa khang trang, trâu bò, xe máy…). Hộ ông Ka Nai Y Vư (5 nhân khẩu) tuy là hộ nghèo nhưng không thiếu đất. Hộ được cấp gần 5.000m2 đất, trong đó đất lúa hơn 2.000m2, ngoài ra còn có nhà sàn, ti vi, 3 con trâu bò... Hộ ông Cao Xuân Cang (3 nhân khẩu) sở hữu hơn 4,6ha đất, trong đó đất lúa gần 4.000m2. Năm 2016, huyện Khánh Vĩnh bóc tách 76,7ha và giao cho 148 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất. Trong đó, có 28 hộ thuộc 113 hộ tranh chấp.


Như vậy, việc tranh chấp đất rừng của 113 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Hiệp là không có cơ sở để xử lý và không phù hợp với pháp luật về đất đai. Việc giải quyết của chính quyền các cấp trong tỉnh là hợp tình, hợp lý. Người dân cần nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên tiếp tục kiện tụng kéo dài, tốn kém chi phí nhưng không có kết quả.


V.LẠC