09:08, 15/08/2019

Tai nạn giao thông đường sắt tăng cao

Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân kém dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trong thời gian qua. Các cấp, ngành, địa phương cần có giải pháp kéo giảm tình trạng này.

Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) của người dân kém dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra trong thời gian qua. Các cấp, ngành, địa phương cần có giải pháp kéo giảm tình trạng này.

 

Ngày đầu tháng 8, tàu SE7 (Hà Nội - Sài Gòn) do đầu máy D19E - 939 kéo, khi đến Km 1276 + 400 đoạn giữa ga Hòa Huỳnh và ga Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa) đã va phải một phụ nữ khoảng 50 tuổi đi xe máy. Nạn nhân bị thương nặng, mất bàn chân trái, sau đó được đưa đi cấp cứu. Đáng nói đây là đường ngang có chắn tự động không người gác. Khi chắn đóng, người phụ nữ này vẫn cố tình vượt qua để rồi dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Sau khi xử lý xong, đoàn tàu tiếp tục hành trình, nhưng khi chạy được khoảng 36km, đến Km 1312 + 680 đoạn giữa ga Lương Sơn và ga Nha Trang (TP. Nha Trang), tàu lại va tiếp vào một người đàn ông khoảng 45 tuổi ngồi trên đường sắt, khiến nạn nhân chết tại chỗ. Vài ngày sau, cũng tại khu vực gần gác chắn đường sắt 23-10 lại xảy ra một vụ tai nạn đường sắt, nạn nhân tử vong tại chỗ.

 

Chắn đường sắt 23-10, nơi xảy ra 2 vụ tai nạn chỉ cách nhau vài ngày.

Chắn đường sắt 23-10, nơi xảy ra 2 vụ tai nạn chỉ cách nhau vài ngày.

 

Theo thống kê, từ ngày 15-12-2018 đến ngày 6-8, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ TNGT đường sắt, làm 10 người chết, 4 người bị thương. So với năm 2018, TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn là do ý thức chấp hành quy tắc giao thông của người tham gia giao thông chưa cao, thiếu quan sát khi đi qua đường ngang; tình trạng dân cư sống hai bên đường sắt không có đường đi riêng, đồng thời vi phạm hành lang an toàn đường sắt khi đi lại, ngồi trên đường sắt, đặc biệt tự ý mở các đường đi trái phép. Theo thống kê, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh dài gần 150km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố với 84 đường ngang và có đến 148 lối đi tự mở. Đây đều là những vị trí rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân qua lại khu vực này cũng như an toàn vận hành chạy tàu.


Trung tá Lê Quang Huy - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, để giảm thiểu TNGT đường sắt, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung tuyên truyền mạnh hơn nữa Luật Giao thông đường sắt đến người dân. Đồng thời, bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát tại các đường ngang, xử phạt các vi phạm về giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông tại các đường ngang qua đường sắt. Ngoài ra, phòng kiến nghị Ban ATGT tỉnh chỉ đạo ban ATGT các địa phương, nhất là UBND các xã, phường tăng cường quản lý các đường ngang, không cho phép người dân tự ý mở đường ngang qua đường sắt. Nếu để phát sinh lối đi tự mở, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu các xã, phường.


Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh sẽ kiến nghị ngành Đường sắt từng bước nâng cấp đường ngang có cảnh báo bằng biển báo lên thành cảnh báo tự động ở các địa bàn thường xảy ra TNGT đường sắt. Đồng thời, ngành Đường sắt thường xuyên phối hợp với địa phương để có giải pháp nhằm kiềm chế TNGT.


MẠNH HÙNG