09:08, 26/08/2019

Khai thác rừng để đốt than ở Ninh Tây: Khó xử lý

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) xuất hiện tình trạng người dân lên rừng khai thác củi, gỗ về bán cho các lò hầm than tại địa phương. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, tình trạng này rất khó xử lý.

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) xuất hiện tình trạng người dân lên rừng khai thác củi, gỗ về bán cho các lò hầm than tại địa phương. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, tình trạng này rất khó xử lý.


Khai thác cây rừng để đốt than


Khoảng 3 tháng trở lại đây, các khu vực đồi Lục Cục, đồi Mỏ Quạ (tiểu khu 66, xã Ninh Tây) thuộc lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa liên tục bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tìm đến cưa hạ, vận chuyển các loại cây có đường kính 10 - 25cm đưa về xuôi tiêu thụ. Ông Ngô Hữu Sự - cán bộ quản lý bảo vệ rừng Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Ea Krong Rou cho biết: “Tại các khu vực này, mỗi ngày có hàng chục đối tượng lên rừng khai thác lâm sản trái phép. Họ thường dùng xe độ chế để chở củi từ rừng về bán cho các lò hầm than. Mỗi ngày, một người có thể khai thác đến 400 - 500kg củi các loại. Tuy chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng tình trạng này vẫn không giảm”.

 

Củi từ rừng tự nhiên được các đối tượng khai thác, vận chuyển về bán cho lò hầm than.

Củi từ rừng tự nhiên được các đối tượng khai thác, vận chuyển về bán cho lò hầm than.


Theo chân cán bộ quản lý bảo vệ rừng đi tuần tra, chúng tôi bắt gặp nhóm người ở khu vực C3 (xã Ninh Tây). Ông Y Hiên - người trong nhóm cho biết: “Thấy nhiều người trong xóm lên rừng khai thác củi về bán cho các lò than được giá nên chú cháu tôi cũng đi rừng kiếm củi. Một ngày, 2 người có thể khai thác được 900kg, giá bán hiện nay 1.000 đồng/kg, thu nhập mỗi người cũng được 450.000 đồng/ngày”.


Ông Y Có (ở Buôn Lác, xã Ninh Tây) chia sẻ: “Nhóm chúng tôi có 4 người, mỗi người kiếm được 400.000 - 500.000 đồng/ngày, thậm chí nhiều hơn. Toàn bộ củi khai thác từ rừng tự nhiên bán lại cho lò than của ông H. (xã Ninh Tây). Ngoài ra, trên địa bàn còn có lò than của ông L., bà H. cũng thu mua củi rừng”. Hỏi chuyện, Y Có cho hay, tuy biết khai thác củi, gỗ từ rừng tự nhiên bán cho các lò than là vi phạm pháp luật nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi các lò than thu mua củi rừng với giá khá cao nên nhiều người trong thôn lên rừng kiếm củi về bán.


Tìm đến các lò than trên địa bàn xã Ninh Tây, chúng tôi không khó để bắt gặp củi rừng trồng, củi cà phê, nhãn lẫn lộn với củi rừng, như: xay, sò đo, thị, cầy… Các loại củi rừng tự nhiên chủ yếu được tập kết ở bên ngoài khuôn viên lò than, một số nằm lẫn trong số củi rừng trồng. Được biết, đa số các lò than tại Ninh Tây hoạt động có phép, trong giấy phép chỉ được sử dụng gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do củi rừng trồng khan hiếm nên một số lò than đã tạm ngưng hoạt động, một số sử dụng củi từ rừng tự nhiên.


Sẽ tăng cường quản lý


Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa, ban đầu, tình trạng này rộ lên ở khu vực Suối Mít, hiện nay lại rộ lên ở khu vực Ea Krong Rou. Hạt kiểm lâm địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét, bắt giữ nhiều máy cưa, đẩy đuổi nhiều đối tượng ra khỏi rừng,  nhưng xử lý được khu vực này thì các đối tượng lại chuyển sang khai thác ở khu vực khác. Việc xử lý các đối tượng khai thác lâm sản trái phép, các lò than sử dụng nguyên liệu từ rừng tự nhiên rất khó khăn. Đối với các lò than có giấy phép sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng, tuy biết họ mua củi rừng để hầm than nhưng không xử lý được do củi tập kết bên ngoài khuôn viên cơ sở, khi đưa vào lò hầm than khép kín, cơ quan chức năng không thể kiểm tra được.


Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết, việc xử lý các đối tượng khai thác củi, gỗ bán cho lò than hiện nay rất khó khăn, bởi người vi phạm chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đơn vị chỉ tuyên truyền, vận động họ không được tiếp tục tái phạm. Một khi lực lượng quản lý bảo vệ rừng làm căng thì các đối tượng tỏ ra lì lợm, hung hăng, thậm chí còn buông lời hăm dọa.  


Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Ngoài các lò than hoạt động không phép trên núi đã bị triệt phá, trên địa bàn thị xã có 8 lò hầm than được cấp phép hoạt động, sử dụng gỗ rừng trồng, tập trung chủ yếu tại Ninh Tây, Ninh Xuân, Ninh An... Đến nay, có 5 lò than đã tạm ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu, còn 3 lò vẫn hoạt động. Hiện nay, cơ quan chức năng địa phương chưa xử lý được trường hợp lò than có phép sử dụng gỗ rừng tự nhiên. Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu UBND thị xã chỉ đạo chính quyền các xã phối hợp với chủ rừng, lực lượng kiểm lâm tăng cường quản lý, vận động người dân không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Đối với các lò hầm than được cấp phép, nếu phát hiện sử dụng lâm sản tự nhiên sẽ xử lý nghiêm, trường hợp tái phạm sẽ đề nghị rút giấy phép”.


HẢI LĂNG