11:08, 15/08/2019

Cần hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình

Từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực đến nay đã tạo hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ trong hôn nhân, gia đình. Song luật cũng xuất hiện những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế.

Từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực đến nay đã tạo hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ trong hôn nhân, gia đình. Song luật cũng xuất hiện những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế.


Nhiều thay đổi quan trọng


Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, các cấp, ngành của địa phương đã xây dựng kế hoạch và phổ biến, giáo dục rộng rãi đến các tổ chức, nhân dân. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, giao Sở Tư pháp hướng dẫn các đơn vị, cơ quan, địa phương thực hiện các nội dung có liên quan. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 300 hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức, phổ biến, giáo dục Luật Hôn nhân và gia đình cho hơn 33.000 người; thực hiện hơn 38.000 lượt tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”, qua đó tiếp nhận hơn 34.300 bài dự thi có chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

 

Trên thực tiễn thi hành, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bám sát và cụ thể hóa những nội dung cơ bản về quyền con người. Đó là tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi và những đối tượng yếu thế khác trong quan hệ hôn nhân, gia đình... Luật có những điểm tiến bộ như: tăng độ tuổi kết hôn; cho phép thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn; quy định về mang thai hộ nhằm mục đích nhân đạo… Các quy định này vừa đồng bộ với Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự…, vừa thể hiện những quan điểm chiến lược về nâng cao chất lượng, sự bền vững của hôn nhân và gia đình.


Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Tư pháp, luật và các văn bản quy định chi tiết đã có tác động tích cực trong đời sống xã hội, góp phần hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gia đình ấm no, bình đẳng và tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình và là cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình…  

 

Một buổi tuyên truyền những quy định Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014  của phụ nữ huyện Diên Khánh.

Một buổi tuyên truyền những quy định Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của phụ nữ huyện Diên Khánh.

 

Vẫn còn những bất cập phát sinh


Bên cạnh những tác động tích cực của luật đến đời sống xã hội, các quan hệ pháp lý về hôn nhân và gia đình được đảm bảo, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, trong quá trình áp dụng luật cũng bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy định, ngoài trường hợp “bạo lực gia đình” là căn cứ giải quyết cho ly hôn, đối với những hành vi khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng… xảy ra, để được giải quyết cho ly hôn thì gặp nhiều khó khăn trong việc xác định cơ sở nhận định tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận cho người có nhu cầu mang thai hộ, việc xác nhận này được chứng thực trên loại giấy tờ nào, người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào?...

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2015 đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã thụ lý 16.732 vụ án về hôn nhân, gia đình. Cụ thể, cấp sơ thẩm thụ lý 16.279 vụ, đã giải quyết 15.966 vụ; cấp phúc thẩm thụ lý 93 vụ, đã giải quyết 92 vụ.

Về nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ hoặc chồng sau khi ly hôn, luật quy định người được cấp dưỡng phải là người khó khăn, túng thiếu và bản thân họ phải có yêu cầu chính đáng… Thế nhưng, thực tế, quy định này rất khó thực thi. Mặt khác, các quy định về cấp dưỡng chưa cụ thể và thiếu chế tài. Điều này khiến cho Tòa án khi giải quyết chỉ có căn cứ vào điều kiện thực tế của từng trường hợp, dẫn đến mức cấp dưỡng có sự khác nhau. Ngoài ra, các quy định về điều kiện kết hôn được áp dụng chung cho cả quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài mà chưa có những quy định riêng về điều kiện kết hôn với người nước ngoài. Song song đó, hệ thống pháp luật cũng không quy định xác lập thông tin về công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và đang sinh sống ở nước ngoài khiến cho việc giúp đỡ người Việt Nam kết hôn ở nước ngoài gặp hoàn cảnh khó khăn còn nhiều hạn chế. Hệ thống pháp luật còn thiếu những quy định để giải quyết vướng mắc về hộ tịch cho trẻ em là con chung của phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài khi theo mẹ về cư trú ở trong nước…


Được biết, những bất cập, tồn tại và phát sinh trong quá trình thực hiện luật đã được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh tổng hợp và kiến nghị Trung ương có hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp.


VĂN GIANG