10:05, 15/05/2019

Khánh Sơn: Cần nỗ lực giữ rừng

Thời gian gần đây, địa bàn huyện Khánh Sơn nổi lên nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đề nghị địa phương tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ giữ rừng.

Thời gian gần đây, địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) nổi lên nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đề nghị địa phương tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ giữ rừng.


Nhiều vụ phá rừng


Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn nổi lên tình trạng phá rừng trái phép. Cụ thể, tại các tiểu khu 264, 266 (xã Sơn Lâm) đã xảy ra 4 vụ phá rừng. Lực lượng chức năng xác định có 4 đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số xã Sơn Lâm phá rừng phòng hộ với tổng diện tích hơn 3,48ha. Trong khi đó, rừng phòng hộ tại tiểu khu 294 (xã Ba Cụm Nam) có 12 điểm bị phá, với tổng diện tích hơn 5,57ha. Còn tại tiểu khu 271 (xã Sơn Trung) có 6 điểm rừng bị phá, với tổng diện tích khoảng 4,51ha. Các vụ việc này đang được cơ quan chức năng địa phương điều tra, xác minh để xử lý theo quy định.

 

Rừng phòng hộ tại tiểu khu 264 bị phá.

Rừng phòng hộ tại tiểu khu 264 bị phá.


Mặt khác, tuy đã tập trung triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ngay từ đầu mùa khô nhưng trên địa bàn vẫn xảy ra 1 vụ cháy rừng. Cụ thể, ngày 24-4, tại khoảnh 2, tiểu khu 292 (xã Ba Cụm Nam) đã xảy ra một đám cháy trên diện tích rừng thông trồng năm 2012 thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn. Cơ quan chức năng xác định diện tích cháy là 6,01ha, thiệt hại khoảng 80%. Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Sơn đang phối hợp với chủ rừng, cơ quan chức năng của huyện để lập hồ sơ, điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.


Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, khó khăn hiện nay trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là việc ngăn chặn nạn khai thác cây gỗ làm lồng bè để đưa về xuôi tiêu thụ. Từ sau Tết Nguyên đán, các khu vực rừng trên địa bàn Khánh Sơn như: Sơn Trung, Sơn Lâm, Ba Cụm Bắc… luôn bị lâm tặc nhòm ngó. Thực tế, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, UBND các xã có tăng cường công tác tuần tra, xử lý nên tình trạng có thuyên giảm nhưng chưa dứt điểm được. Báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã phát hiện 16 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đã xử lý 13 vụ, tịch thu hơn 26,8m3 gỗ xẻ hộp, trong đó chủ yếu là gỗ làm lồng bè.  


Đề ra nhiều nhóm giải pháp

 

Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh: Huyện Khánh Sơn cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR. Các đơn vị chức năng, chủ rừng, UBND cấp xã cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ giữ rừng.

Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, trong các năm 2015 -  2018, công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn rất tốt, nhưng 4 tháng đầu năm nay tại địa phương lại xảy ra một số vụ việc nổi cộm liên quan đến công tác này. Về nguyên nhân phá rừng trái phép để lấy đất, chủ yếu là do giá đất trên địa bàn hiện nay tăng cao, nên có hộ bán đất cho người dân từ địa phương khác đến rồi lên rừng lấn chiếm đất. Trong khi đó, nguyên nhân của tình trạng khai thác rừng trái phép để lấy gỗ làm lồng bè là do nhu cầu gỗ lồng bè từ các địa phương khác rất lớn, giá gỗ lại cao. Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng cần làm tốt công tác phối hợp giữa chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã; chủ rừng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với diện tích rừng được giao…


Với những tồn tại trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn hiện nay, UBND huyện Khánh Sơn đã đề ra 8 nhóm giải pháp để bảo vệ rừng tốt hơn. Cụ thể, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu 3 giảm (giảm diện tích rừng bị phá, giảm số vụ vi phạm, giảm sai sót trong các hoạt động nghiệp vụ); Hạt Kiểm lâm địa phương phải chủ động kế hoạch kiểm tra, truy quét các đối tượng phá rừng trên địa bàn, phối hợp hướng dẫn các chủ rừng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ rừng. Địa phương còn chỉ đạo Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại các khu vực trọng điểm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; chủ rừng nhà nước, UBND cấp xã phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác này…


HẢI LĂNG