07:05, 15/05/2019

Gỡ khó cho lưới điện nông thôn

Ngày 14-5, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với Sở Công Thương, lãnh đạo các địa phương và Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) để bàn các giải pháp giải quyết những bất cập của hệ thống lưới điện nông thôn.

Ngày 14-5, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với Sở Công Thương, lãnh đạo các địa phương và Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) để bàn các giải pháp giải quyết những bất cập của hệ thống lưới điện nông thôn.


Nhiều bất cập


Tại cuộc họp, lãnh đạo PC Khánh Hòa cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn km đường dây điện trung thế, hạ thế đang vận hành ở khu vực nông thôn. Trong đó, huyện Vạn Ninh có gần 600km, các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh có khoảng 1.000km, thị xã Ninh Hòa gần 400km. Ngoài ra, gần 1.200 trạm biến áp đang được sử dụng ở vùng nông thôn.

 

Thi công lưới điện nông thôn tại Ninh Hòa.

Thi công lưới điện nông thôn tại Ninh Hòa.


Trước đây, hệ thống lưới điện này do Nhà nước và nhân dân cùng làm theo chương trình phủ điện nông thôn. Thời điểm đó, các hành lang tuyến đi qua đất của người dân đều được các hộ gia đình chấp thuận và không phải thực hiện công tác đền bù, giải tỏa. Đến năm 2004, theo chủ trương của tỉnh, PC Khánh Hòa đã tiếp nhận toàn bộ lưới điện nông thôn trên địa bàn để quản lý, vận hành. Sau khi tiếp nhận, ngành điện đã bố trí vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho nhu cầu sử dụng và phát triển kinh tế của địa phương.


Tuy nhiên, hiện nay các khu dân cư ngày càng phát triển, dẫn đến việc lấn chiếm hành lang an toàn điện để xây cất nhà, buôn bán, trồng cây. Điều này đã gây ra sự cố lưới điện và nguy cơ tai nạn về điện rất cao. Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tuy PC Khánh Hòa đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tuyên truyền, vận động các chủ công trình vi phạm thực hiện tháo dỡ phần vi phạm nhưng gặp nhiều trở ngại. Các hộ dân vi phạm hành lang lưới điện bất hợp tác, gây cản trở, khiến công tác đảm bảo an toàn lưới điện rất nan giải.


Đặc biệt, do nhu cầu sử dụng đất để xây dựng nhà cửa, công trình, chuyển nhượng nên hiện nay nhiều người dân đã yêu cầu điện lực phải di dời đường dây ra khỏi đất, vườn của mình. Kể từ sau cơn bão số 12 năm 2017, chứng kiến lưới điện bị hư hỏng nặng nề, người dân càng không đồng tình để lưới điện trong đất hoặc băng ngang qua nhà mình. “Với tình hình hiện nay, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương liên quan và PC Khánh Hòa tìm giải pháp để giải quyết một cách tổng thể và thỏa đáng việc giải tỏa, di dời các đường dây trung hạ áp thuộc chương trình phủ điện nông thôn trước đây ra khỏi phạm vi đất của dân”, bà Hải kiến nghị.


Cần có lộ trình

 

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: PC Khánh Hòa phối hợp với các địa phương lập phương án di dời hệ thống lưới điện ra khỏi đất của các hộ dân. Trong đó, phải có phương án cụ thể, bao gồm lộ trình, dự trù kinh phí và bên nào phải chịu kinh phí cũng cần làm rõ. Sở Công Thương có trách nhiệm đề xuất phương án tối ưu để thực hiện và thống nhất phương án đề xuất để báo cáo tỉnh; trong tháng 7 phải hoàn thành phần việc này.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Cao Ký - Tổng Giám đốc PC Khánh Hòa cho rằng, việc di dời đường dây trung, hạ áp thuộc chương trình phủ điện nông thôn trước đây ra khỏi phạm vi diện tích đất, nhà, vườn của dân đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn, phải lên tới hàng trăm tỷ đồng, vượt quá khả năng tài chính của công ty. Đặc biệt, ảnh hưởng của bão, lụt trên địa bàn tỉnh những năm vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống lưới điện. Để khắc phục tạm thời, ngành điện đã chi tới 33 tỷ đồng và thời gian tới phải tiếp tục củng cố, khôi phục lưới điện. Do đó, hiện nay PC Khánh Hòa không đủ khả năng bố trí vốn để di dời toàn bộ hệ thống lưới điện ra khỏi phần đất của các hộ.


Cùng quan điểm, ông Ngô Xuân Quản - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, giải quyết vấn đề này tuy khó nhưng yêu cầu của người dân là chính đáng và phù hợp nên phải tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý.


Kết luận cuộc họp, ông Trần Sơn Hải nhấn mạnh: “Trước đây, khi thực hiện lưới điện nông thôn đã thỏa thuận với dân không bồi thường, đền bù nhưng hiện nay nhu cầu xã hội đã thay đổi, cần phải đảm bảo quyền lợi cho dân. Tuy nhiên, để thực hiện vấn đề này cần có lộ trình và kế hoạch cụ thể, không phải cứ nói là làm được ngay”.


Đình Lâm