10:09, 12/09/2018

Quản lý khai thác cát tại Khánh Vĩnh: Còn nhiều bất cập

Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Khánh Vĩnh về công tác quản lý, khai thác, chế biến và tiêu thụ cát trên địa bàn. Tại buổi làm việc, chính quyền địa phương và ngành chức năng thừa nhận, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mà cụ thể là khai thác cát, sỏi còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Khánh Vĩnh về công tác quản lý, khai thác, chế biến và tiêu thụ cát trên địa bàn. Tại buổi làm việc, chính quyền địa phương và ngành chức năng thừa nhận, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mà cụ thể là khai thác cát, sỏi còn nhiều khó khăn, vướng mắc.


Diễn biến phức tạp


Theo quy hoạch, Khánh Vĩnh có trữ lượng cát 10,3 triệu m3, diện tích hơn 555ha, tập trung tại 4 khu vực: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Trung và sông Thác Ngựa (từ Sơn Thái đến Sông Cầu). Thời gian qua, tỉnh đã cấp phép khai thác cát cho 12 doanh nghiệp (DN), trong đó giai đoạn 2011 - 2015 có 2 DN; giai đoạn 2016 - 2020 có 10 DN. Do một số DN vi phạm nên bị tỉnh rút giấy phép, hiện còn 5 DN đang khai thác là: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Khánh Vĩnh, Công ty TNHH Tân Khánh Hòa KH, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Diệp NT, Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện sông Giang và Công ty TNHH Đại Thuận NT.

 

Khai thác cát trái phép tại Cầu Bà, Khánh Vĩnh.

Khai thác cát trái phép tại Cầu Bà, Khánh Vĩnh.


Bên cạnh các DN được cấp phép khai thác, tình hình khai thác cát lậu vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, việc khai thác còn nhỏ lẻ, các đối tượng sử dụng cộ bò, xe tải nhỏ, dùng xẻng lấy cát là chính thì hiện nay tình trạng này diễn ra khá phức tạp, quy mô lớn, sử dụng cơ giới múc cát dưới sông, sàng lọc trực tiếp trên xe tải 10 - 15 tấn đưa đi tiêu thụ. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì các đối tượng không hợp tác, bỏ trốn hay chuyển qua khai thác ở vị trí giáp ranh 2 huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh. Các địa phương đã tổ chức truy quét, lập barie, tạo hố sâu ngăn cách song tình hình vẫn chưa giảm.


Thượng tá Hồ Anh Thư - Phó Trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh cho hay, khai thác cát trái phép có xu hướng gia tăng. Khu vực Cầu Bà sát quốc lộ nên khi lực lượng đến nơi thì đối tượng đã bỏ đi. Một số trường hợp bắt quả tang nhưng không có phương tiện đầu kéo nên không thể đưa về. Các đối tượng thường hoạt động manh động, lén lút và vào đêm khuya, 2 - 3 giờ sáng nên khó kiểm tra, trong khi lực lượng công an mỏng, không thể duy trì liên tục và không phải lực lượng nào cũng đủ chức năng xử lý.


Tăng cường kiểm tra, xử lý

 

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã phát hiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền 98 triệu đồng. 7 tháng năm 2018, huyện phát hiện 12 cá nhân vi phạm, xử phạt 44,5 triệu đồng. Huyện cũng đã lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của nhân dân về hoạt động khai thác khoáng sản.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mà cụ thể là khai thác cát, sỏi còn nhiều khó khăn, vướng mắc, huyện Khánh Vĩnh kiến nghị: Trung ương cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quản lý cát sông, suối; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành các cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, xử lý cát xây dựng trái phép, không hóa đơn, nguồn gốc không rõ ràng để hạn chế việc sử dụng cát không có xuất xứ; tăng cường quyền hạn cho UBND cấp xã trong công tác quản lý, khai thác, chế biến và tiêu thụ cát xây dựng. Bên cạnh đó, cần giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, xử lý, chấm dứt tình trạng khai thác cát tại vị trí giáp ranh địa giới hành chính giữa 2 huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh…


Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Khánh Vĩnh cho rằng, Nghị định 33/2017 về hình thức xử phạt bổ sung cho phép tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép từ 10m3 trở lên không phù hợp đối với địa bàn Khánh Vĩnh. Trung ương cần quy định 3 - 6m3, bởi các đối tượng thường khai thác nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, tỉnh cần thay thế Quyết định 28/2013 về công trình khống chế bề dày thân khoáng sản cho khu vực được cấp phép. Hiện nay, việc xác định độ sâu thân khoáng sản còn nhiều bất cập, khiến địa phương lúng túng.


Ông Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá, tình hình quản lý cát sỏi tại Khánh Vĩnh còn nhiều phức tạp, ban sẽ tổng hợp tình hình, ý kiến của địa phương để làm việc với tỉnh nhằm có sự điều chỉnh cần thiết. Trước mắt, huyện Khánh Vĩnh cần quan tâm kiểm tra, tăng cường nhân sự, phương tiện, kinh phí cho các lực lượng và các địa phương chống “cát tặc”, bổ sung các giải pháp như: lắp đặt barie, tạo hố sâu để cản trở khai thác cát trái phép…


V.LẠC