10:09, 27/09/2018

Chủ động phòng ngừa dịch tả heo châu Phi

Trước những diễn biến khó lường của bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF), Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh này trên địa bàn tỉnh.

Trước những diễn biến khó lường của bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF), Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh này trên địa bàn tỉnh.


Theo cơ quan chuyên môn, tính đến ngày 10-9, trên thế giới đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả heo châu Phi. Tổng số heo đã tiêu hủy là hơn 500.000 con. Trong đó, từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9-2018, tại Trung Quốc có tổng cộng 14 ổ dịch xuất hiện ở 6 tỉnh. Mặc dù ASF không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nhưng dịch bệnh này hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị, 100% heo nhiễm bệnh sẽ bị chết, nên hậu quả cho ngành chăn nuôi rất lớn. Đồng thời, vi rút dịch tả heo châu Phi tồn tại lâu, khó phát hiện, gây khó khăn cho công tác phòng dịch; nhất là khi tình hình dịch đang diễn biến phức tạp tại nước láng giềng Trung Quốc.

 

Lực lượng thú y đang kiểm soát việc giết mổ heo tại Nha Trang.

Lực lượng thú y đang kiểm soát việc giết mổ heo tại Nha Trang.


Để chủ động phòng, chống dịch, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có những chỉ đạo, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.


Tại Khánh Hòa, trong các cuộc họp triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn đều cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, TP. Nha Trang là nơi đón nhiều du khách, nên công tác kiểm soát không để du khách mang thịt heo vào Khánh Hòa, nhất là thông qua cảng hàng không là việc cần làm ngay. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt là Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh này.


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đây đang là thời điểm người chăn nuôi Khánh Hòa tập trung tăng đàn heo để phục vụ Tết Nguyên đán 2019. Hiện toàn tỉnh có tổng đàn heo là 248.000 con. Đây cũng là thời điểm Khánh Hòa triển khai tiêm phòng đợt 2 cho gia súc gia cầm. Hơn 80.000 liều vắc xin phòng bệnh gia súc và 260.000 liều vắc xin phòng bệnh gia cầm đang được triển khai. Bên cạnh  đó, các cơ quan chuyên môn cũng đang tập trung triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, đợt này sẽ phun gần 6.000 lít hóa chất sát trùng, nâng tổng số hóa chất sát trùng sau 2 đợt phun từ đầu năm đến nay lên 15.000 lít. Chưa kể 300 lít hóa chất sát khuẩn, tiêu độc từ nguồn ngân sách tỉnh để phun tăng cường đột xuất tại các điểm giết mổ, nuôi nhốt, buôn bán động vật.


Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang triển khai triệt để các biện pháp chủ động ngăn ngừa ASF như: tăng cường kiểm tra, giám sát đàn heo, kịp thời phát hiện sớm và kiên quyết xử lý các trường hợp heo mắc bệnh. Sở NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các phòng kinh tế, phòng NN-PTNT tăng cường rà soát, giám sát tình hình dịch bệnh chung của gia súc, gia cầm; tập trung thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, xử lý gia súc bị bệnh chết và báo cáo kịp thời diễn biến bất thường của các đàn heo nuôi nhỏ lẻ trong dân; yêu cầu các trang trại nuôi tập trung quy mô vừa và lớn chú ý vệ sinh tiêu độc khử trùng, hạn chế đoàn tham quan, học tập ra vào trại để hạn chế nguy cơ truyền lây mầm bệnh từ bên ngoài; duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, kiểm soát giết mổ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện dịch gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch bệnh có biểu hiện lâm sàng của ASF.


HỒNG ĐĂNG