08:04, 15/04/2018

Sớm triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ chứa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác đảm bảo công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2018. Ông Lê Xuân Thái - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác đảm bảo công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2018. Ông Lê Xuân Thái - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết:

 


- Đối với công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy lợi đều đã có chỉ thị, công văn yêu cầu các địa phương, sở, ngành triển khai ngay các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi. Trong đó, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý an toàn công trình thủy lợi; chỉ đạo xây dựng và phê duyệt phương án  ứng phó thiên tai cho công trình và khu vực hạ du đập, hồ chứa nước. Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi củng cố lực lượng, thường xuyên kiểm tra, kiểm định, đánh giá và theo dõi phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình để kịp thời khắc phục; tiến hành rà soát, kiểm tra các cửa van, hệ thống kênh tiêu thoát lũ, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước…


- Hiện nay, công tác khắc phục các công trình thủy lợi bị thiệt hại sau đợt mưa lũ cuối năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Toàn tỉnh có 28 hồ chứa nước, 2 hồ thủy điện, hơn 120 đập dâng và hàng trăm kilômét sông ngòi. Trong đợt mưa lũ cuối năm 2017, một số hồ chứa nước bị hư hỏng nhẹ. Chẳng hạn như hồ Đá Bàn và hồ Tiên Du ở Ninh Hòa bị sạt mái thượng lưu. Tỉnh đã bố trí kinh phí sửa chữa, các chủ đầu tư đang tiến hành lập hồ sơ dự án, sẽ triển khai sửa chữa khi mực nước trong hồ hạ xuống mức cần thiết. Tỉnh cũng đã dành một khoản kinh phí đáng kể (khoảng 65 tỷ đồng) từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ khắc phục bão lụt, nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh để tập trung khắc phục, gia cố các kênh, cống tiêu thoát lũ và kè bờ một số con sông bị sạt lở do thiên tai gây ra.


- Được biết năm nay, công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai đã được chuẩn bị sớm hơn so với mọi năm, ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?


- Đầu tháng 3, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Chỉ thị đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, sở, ngành và đơn vị liên quan. Hiện nay, Chi cục Thủy lợi đang tập trung tham mưu tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi tiến hành xây dựng phương án kiểm tra, rà soát các công trình đảm bảo an toàn. Thời gian đến, chi cục sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn tại các công trình thủy lợi trên toàn tỉnh, hoàn thành tổng hợp, rà soát trong tháng 5-2018 để báo cáo tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào tháng 6-2018 thay vì tháng 8 như mọi năm. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức tổng kết công tác ứng phó thiên tai năm 2017 để kịp thời phát huy những mặt đã làm được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, thực hiện nhằm ứng phó tốt hơn nữa các điều kiện thời tiết cực đoan có thể xảy ra khi mùa mưa lũ đang đến gần.


- Xin cảm ơn ông!


Công Định (Thực hiện)