12:01, 12/01/2018

Sớm có chính sách hỗ trợ cho nông dân

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa trong buổi đến thăm, khảo sát và chia sẻ những thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra tại một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Khánh Vĩnh và Ninh Hòa, ngày 11-1.
 

 

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa trong buổi đến thăm, khảo sát và chia sẻ những thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra tại một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Khánh Vĩnh và Ninh Hòa, ngày 11-1.
 
Đoàn đã đến thăm vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Xuân Long ở thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh. Đây là một trong số các hộ trồng bưởi có quy mô lớn nhất của xã Khánh Đông. Trên diện tích 2ha, ông Long đã trồng gần 600 gốc bưởi da xanh có độ tuổi từ 5 - 7 năm. Cây bưởi đang ở thời kỳ cho trái tốt nhất, nhưng sau cơn bão số 12, chỉ còn khoảng 100 cây trụ vững. Số còn lại bị nghiêng đổ, bật gốc. Theo chia sẻ của ông Long, với những cây bật gốc, ngã đổ, từ sau bão đến nay gia đình đã tích cực chăm sóc, phục hồi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cây bưởi bắt đầu xuất hiện tình trạng vàng lá rồi chết dần. Đào những gốc bưởi này lên, hầu hết các rễ đã bị gãy, khả năng hấp thu dưỡng chất bị tổn hại nên cây không thể sống nổi. Trong vườn của ông Long hiện có đến 80% số cây bị ngã đổ, bật gốc phải nhổ bỏ, trồng thay thế. Thiệt hại chỉ tính riêng về quả vụ Tết Nguyên đán sắp tới khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, bưởi là cây lâu năm, phải mất 5 năm trồng mới có thể cho thu hoạch, nên những thiệt hại về lâu dài là rất lớn. Theo lãnh đạo xã Khánh Đông, tuy người dân đã sử dụng nhiều giải pháp nhằm cứu vãn cây trồng, nhưng tình trạng bưởi chết đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Toàn xã có gần 48ha bưởi bị thiệt hại. Nhiều hộ đã tiến hành đặt mua giống cây con để trồng thay thế.

 

Đoàn đến thăm vườn bưởi của hộ ông Nguyễn Xuân Long.
Đoàn đến thăm vườn bưởi của hộ ông Nguyễn Xuân Long.
 
Tổ hội Nghề nghiệp chăn nuôi gà nòi thương phẩm thôn Ngọc Sơn, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa là một tổ hội nghề nghiệp tuy còn khá non trẻ, nhưng với cách nghĩ, cách làm mới, đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để ấp trứng bán gà con và nuôi khoảng 50.000 con gà thương phẩm có thị trường cung ứng ổn định. Đặc biệt, ông Thế Ngọc Ngân - một hội viên trẻ của tổ đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng vào hệ thống ấp trứng gia cầm có công suất 15.000 quả, cung cấp gà giống cho các thành viên khác cũng như nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài xã. Ngoài ra, ông Ngân còn đầu tư kinh tế vườn đồi kết hợp chăn nuôi gà, nhanh chóng trở thành điểm sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Tuy nhiên, sau bão, toàn bộ hệ thống trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc bị hư hỏng nặng nề, cây cối vườn đồi bị đổ ngã, thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
 
Tại các nơi đến thăm, đoàn công tác đã trao số tiền hỗ trợ cho hộ ông Long, ông Ngân (mỗi hộ 3 triệu đồng). Nhân dịp này, các hộ cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng do cơn bão số 12. Các ngân hàng có chính sách khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất nhằm giúp người dân sớm đầu tư lại cây trồng, vật nuôi. 
 
Trao đổi về vấn đề hỗ trợ, bà Trần Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, số dự án do Hội Nông dân tỉnh chủ trì bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 là gần 30 dự án, với số tiền gần 6 tỷ đồng. Hội đã tiến hành rà soát, xác định tình hình thiệt hại, đề xuất Trung ương hội, UBND tỉnh thực hiện các biện pháp như: miễn giảm phí cho vay, khoanh nợ để bà con có điều kiện tái sản xuất, chăn nuôi. Đối với các trường hợp vay mới, ngoài nguồn quỹ của Hội Nông dân tỉnh, hội đã có quy chế phối hợp với các ngân hàng như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho bà con tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng này.
 
Ông Lê Xuân Thân ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng của người dân, đồng thời cho biết sẽ đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra chính sách hỗ trợ cụ thể. “Sau bão, bên cạnh vận dụng một số chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, qua quá trình kê khai thiệt hại, đối với những trường hợp đặc biệt, thiệt hại nặng nề, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh có những cơ chế đặc biệt và khoản hỗ trợ kịp thời nhằm giúp người dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất. Đoàn khảo sát sẽ sớm yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề xuất cụ thể để có những quyết sách kịp thời hơn đến bà con nông dân”, ông Lê Xuân Thân nói.
 
Hồng Đăng