12:08, 14/08/2017

Hỗ trợ sinh kế cho người bị thu hồi đất

Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có hàng trăm hộ sau khi bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội bị mất việc làm. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, các ngành chức năng đang xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề...

Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có hàng trăm hộ sau khi bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội bị mất việc làm. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, các ngành chức năng đang xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo nhu cầu cho người lao động bị thu hồi đất.


Mất việc làm sau khi bị thu hồi đất


Năm 2014, gia đình ông Nguyễn Văn Kiên (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) bị thu hồi hơn 500m2 đất ở và đất sản xuất để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1. Gia đình ông được đền bù, giải tỏa theo quy định và được tái định cư ở Khu tái định cư xã Vạn Thọ. Thế nhưng, từ ngày về nơi ở mới, gia đình ông không biết phải làm gì để sinh sống. Ông Kiên kể: “Trước đây, gia đình tôi mở quán cơm, tạo việc làm cho 5 nhân khẩu, mỗi ngày cũng kiếm được từ 2 đến 5 triệu đồng. Khi chuyển về nơi ở mới, nhà cách đường xa hơn 200m, đất nhỏ hẹp nên không thể mở quán cơm như trước đây. Các thành viên trong gia đình không có bằng cấp nên cũng không biết xin việc gì. Bây giờ, chúng tôi chỉ biết đi làm thuê, làm mướn, công việc lại thất thường nên thu nhập bấp bênh”.

 

Tương tự, năm 2015, gia đình ông Ngô Hồng Tân (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) bị thu hồi hơn 4 sào đất trồng hoa màu để mở đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng. Gia đình ông được bồi thường hơn 100 triệu đồng nhưng 4 thành viên của gia đình trở nên khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai. Ông Tấn cho biết: “Bao nhiêu năm qua, cả gia đình sinh sống nhờ vào mảnh ruộng trồng rau màu. Bây giờ bị thu hồi, chúng tôi rơi vào khó khăn, lúng túng trong việc chuyển đồi nghề nghiệp. Hiện nay, 2 người con, đứa đi làm phụ hồ, đứa phải xin đi học nghề cơ khí; còn vợ chồng tôi dùng tiền bồi thường mua 4 con bò cái sinh sản về nuôi, nhưng bây giờ đất nông nghiệp bị thu hẹp, thiếu cỏ nên chăn nuôi cũng gặp khó khăn”…

 

Con trai ông Ngô Hồng Tân đi học nghề cơ khí

Con trai ông Ngô Hồng Tân đi học nghề cơ khí

 

Ông Võ Bình Tân cho biết, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh triển khai 12 dự án, thu hồi hơn 600ha đất của 176 hộ với 526 nhân khẩu, trong đó có 286 nhân khẩu trong độ tuổi lao động. Theo đó, hơn 100 người trong độ tuổi lao động bị mất việc làm, chiếm 40%. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ triển khai khoảng 90 dự án, thu hồi hơn 800ha đất của hơn 600 hộ, với hơn 3.000 nhân khẩu. Trong đó, có 1.620 nhân khẩu trong độ tuổi lao động và sẽ có hơn 1.100 lao động bị mất việc làm.

Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua khảo sát của ngành cho thấy, việc phát triển các khu đô thị, dự án, xây dựng các khu công nghiệp đã dẫn đến việc thay đổi sinh kế của người dân. Quá trình đô thị hóa khiến đất dành cho sản xuất, kinh doanh của người dân bị thu hẹp. Người dân bị mất việc làm truyền thống, phải chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi chỗ ở, sinh kế. Trong khi đó, chính sách bồi thường, tái định cư hầu như chỉ quy ra tiền rồi chi trả trực tiếp cho người dân chứ chưa có chính sách việc làm bền vững. Số tiền này trong nhiều trường hợp không giúp cho người dân có cuộc sống mới tốt hơn. Bên cạnh đó, các dự án thu hồi đất chưa gắn với phương án đào tạo, chuyển đổi nghề. Công tác tái định cư chưa đảm bảo cho người dân có điều kiện sinh hoạt và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường tại nơi ở mới… Do đó, gần như người dân bị thu hồi đất không có khả năng tìm kiếm hoặc tự tạo cho mình một công việc mới ổn định.


Hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm theo nhu cầu


Hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện và trình UBND tỉnh đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp hoặc đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ, phải di chuyển chỗ ở sẽ được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng, trình độ trung cấp hoặc cao đẳng. Lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ học phí theo quy định. Lao động bị thu hồi đất còn được tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Những lao động bị thu hồi đất có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 19 triệu đồng/người. Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất còn được ưu tiên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, tạo việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài…


VĂN GIANG