08:06, 04/06/2017

Cần giữ gìn và phát huy giá trị

Hơn 15 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Mun không được như kỳ vọng, trong khi ngân sách nhà nước hàng năm đầu tư không nhỏ để duy trì hoạt động quản lý. (Báo Khánh Hòa Chủ nhật ngày 4-6 có bài viết phản ánh về việc này). 
 

Hơn 15 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Mun không được như kỳ vọng, trong khi ngân sách nhà nước hàng năm đầu tư không nhỏ để duy trì hoạt động quản lý. (Báo Khánh Hòa Chủ nhật ngày 4-6 có bài viết phản ánh về việc này). 
Rác thải tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun.
Rác thải tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun.
 
Không phát huy giá trị
 
Năm 2001, KBTB Hòn Mun được thành lập với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Quỹ môi trường toàn cầu và Chính phủ Hoàng gia Đan Mạch. Khu bảo tồn có diện tích khoảng 160km2, bao gồm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ trong vịnh Nha Trang và vùng mặt biển phụ cận. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là KBTB hàng đầu Việt Nam về đa dạng sinh học biển với khoảng 350 loài san hô, hơn 230 loài cá rạn, 112 loài thân mềm, 112 loài giáp sát, 27 loài da gai, 76 loài rong và cỏ biển… 
 
Năm 2005, khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức và Chính phủ nước ngoài chấm dứt, UBND tỉnh thành lập Ban quản lý KBTB Hòn Mun, hàng năm chi ngân sách để duy trì hoạt động. Đồng thời, cho ban quản lý bán vé tham quan cũng như các dịch vụ bơi, lặn biển, ngắm san hô bằng tàu đáy kính đối với các tổ chức kinh doanh du lịch và du khách. Tuy nhiên, do công tác quản lý yếu kém, khai thác du lịch theo kiểu tận thu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến KBTB. Mỗi ngày, có hàng ngàn lượt du khách cùng hàng trăm tàu thuyền trên vịnh Nha Trang tham gia các dịch vụ: tắm biển, bơi lặn, đi bộ dưới đáy biển ngắm san hô… dẫn đến sự quá tải, tình trạng rác thải, dầu thải từ các tàu thuyền khiến cho môi trường KBTB bị tàn phá. Bên cạnh đó, tình trạng đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép trong vùng lõi KBTB đang khiến cho nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt. Mới đây, một số lãnh đạo của Ban quản lý vịnh Nha Trang đã bị khởi tố về hành vi gian lận trong việc bán vé, quản lý phí tham quan vịnh Nha Trang…
 
Khảo sát, đánh giá thực trạng 
 
Trước tình trạng trên, nhằm giảm chi phí ngân sách nhà nước, UBND tỉnh đã thống nhất ý tưởng giao cho Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang phối hợp với các nhà khoa học, tổ chức chuyên về bảo tồn biển tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất phương án quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững đảo Hòn Mun. Trên tinh thần đó, Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang đã hợp tác với tiến sĩ Alan Smit - Giám đốc Tổ chức chuyên nghiên cứu san hô Reef Ecologic của Úc - đơn vị đã tham gia hơn 300 dự án bảo tồn đa dạng sinh học biển trên thế giới. 
 
Sau 3 tháng tiến hành khảo sát với hàng trăm giờ lặn tại khắp các khu vực của KBTB Hòn Mun, tiến sĩ Alan Smit đánh giá: Hiện nay, KBTB Hòn Mun đang quá tải về lượng du khách cũng như tàu thuyền khai thác du lịch, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường biển. Rạn san hô ở Hòn Mun đang đối diện với nguy cơ giảm sút bởi sao biển gai - động vật chuyên ăn san hô. Ngoài ra, KBTB Hòn Mun còn lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý. Các tàu thuyền giám sát rất ít hoạt động, hoặc có hoạt động thì cũng chỉ kiểm tra xem các tàu chở du khách đã mua vé tham quan hay chưa mà không tuyên truyền, giáo dục du khách về ý thức giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh thái khi tham quan, lặn biển. Việc neo đậu tàu thuyền chưa có hệ thống phao bù mà sử dụng neo sắt, tình trạng này sẽ tàn phá các rạn san hô. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng khai thác cá lén lút trong vùng lõi KBTB khiến cho lượng cá giảm sút nghiêm trọng, nhất là các loài cá lớn…
 
Tiến sĩ Alan Smit cho rằng, việc khai thác du lịch tại các KBTB là phù hợp với thực tiễn và quy luật. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch phải hết sức cẩn trọng và đơn vị khai thác du lịch phải tâm huyết trong việc bảo tồn san hô, đa dạng sinh thái để phát triển du lịch bền vững. Tiến sĩ Alan Smit đề xuất phương án mỗi năm chỉ cho khoảng 700.000 du khách tham quan và phải quản lý chặt chẽ theo từng khu vực. Trong đó có các khu vực như: dành cho du khách tắm biển, ngắm san hô qua tàu đáy kính, dành cho du khách lặn ngắm san hô, dành riêng cho nghiên cứu, giáo dục… Bên cạnh đó, công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý cũng như tuyên truyền cho du khách và người dân là hết sức quan trọng. 
 
Nam Phong

Ngày 1-6 vừa qua, UBND tỉnh đã làm việc với Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang và tiến sĩ Alan Smit xung quanh việc khảo sát thực trạng và định hướng đầu tư, quản lý, bảo tồn, khai thác KBTB Hòn Mun. UBND tỉnh sẽ xem xét để Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang lập dự án đầu tư, quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác KBTB Hòn Mun trong thời gian tới nếu theo đúng quan điểm, chủ trương của UBND tỉnh là: Cơ chế để Nhà nước thống nhất quản lý, giám sát đối với tất cả các hoạt động, kể cả việc xã hội hóa một phần quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác du lịch sinh thái tại KBTB Hòn Mun. Việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác phải đảm bảo yêu cầu, mục đích là bảo tồn nguyên trạng, tôn tạo và phát triển bền vững hệ sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường; có sự tham gia, gắn kết chặt chẽ giữa trách nhiệm và quyền lợi của Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp… Đặc biệt, việc khai thác du lịch sinh thái trong KBTB Hòn Mun phải phù hợp, đảm bảo yêu cầu, mục đích và nguyên tắc về quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát triển bền vững KBTB Hòn Mun.