11:05, 25/05/2017

Cam Lâm: Người dân chưa tự giác tiêm phòng cho gia cầm

Thời gian qua, công tác tiêm phòng dịch bệnh trên vật nuôi tại Cam Lâm (Khánh Hòa) đã được tích cực triển khai. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi còn thờ ơ trong việc tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm.

 

Thời gian qua, công tác tiêm phòng dịch bệnh trên vật nuôi tại Cam Lâm (Khánh Hòa) đã được tích cực triển khai. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi còn thờ ơ trong việc tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm.


Theo thống kê, huyện Cam Lâm hiện có 282 con trâu, 7.171 con bò, gần 32.320 con heo, 256.920 con gia cầm… Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với mưa trái mùa thất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, dễ có nguy cơ bùng phát thành dịch lây lan như: dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, bệnh dại... Vì vậy, công tác triển khai tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Cam Lâm được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thực hiện kịp thời.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã tiêm phòng tụ huyết trùng cho 5.105 con trâu, bò, đạt tỷ lệ 72,3%; tiêm phòng dịch tả heo đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ được 21.902 con, đạt 96,3%... Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm lại chưa cao, đến nay, mới chỉ có 113.400 con gia cầm được tiêm phòng vắc xin cúm, đạt 38%. Trong khi những hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô lớn, khoảng từ 200 con gà, vịt trở lên, chủ nuôi thường rất quan tâm đến việc tiêm phòng bệnh cho đàn gia cầm của mình, thì những hộ chăn nuôi với số lượng ít lại khá chủ quan. “Gia đình tôi nuôi có gần 100 con gà thả vườn, vừa để bán vừa để ăn, lời lãi chẳng bao nhiêu, nên cũng ít để ý đến việc tiêm phòng”, ông N.T.B, người dân xã Suối Cát chia sẻ.

 

Đàn gia cầm của một hộ chăn nuôi tại xã Cam Thành Bắc

Đàn gia cầm của một hộ chăn nuôi tại xã Cam Thành Bắc

 

Bác sĩ Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Cam Lâm là địa bàn có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn; căn cứ tình hình dịch tễ, đây không phải là vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh; 2 năm qua tại đây không phát sinh dịch bệnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm.

Ông Lê Ngọc Tú - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm cho biết, thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm thể độc lực cao giai đoạn 2015 - 2018 trên địa bàn tỉnh, trong năm 2016, toàn huyện đã được cấp kinh phí hỗ trợ triển khai tiêm phòng dịch cúm gia cầm miễn phí cho người dân. Qua đó, địa phương đã triển khai tiêm 111.600 liều vắc xin, cùng với 190.500 liều do người dân tự nguyện tiêm, nên tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm của huyện năm 2016 đạt cao. Qua năm 2017, địa phương không còn nằm trong danh sách hỗ trợ cấp kinh phí thực hiện tiêm phòng dịch đại trà nữa, cùng đó, ý thức người dân trong việc bảo vệ đàn gia cầm chưa cao, nên chưa tự giác tiêm phòng cho đàn gà, vịt của mình. Theo ông Tú, đối với những trang trại có quy mô lớn của các công ty, việc tiêm phòng thường được triển khai kịp thời, chặt chẽ, còn với các hộ gia đình cá thể, chỉ những hộ chăn nuôi với số lượng lớn, khoảng từ 200 con trở lên mới quan tâm tiêm phòng, số còn lại, vì quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, thường tiết kiệm chi phí nên không thực hiện việc tiêm phòng.


Cúm gia cầm là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây sang người, tiêm phòng là biện pháp bắt buộc và hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trước tình trạng người dân chưa nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng ký với nhân viên thú y xã hoặc chính quyền địa phương mua vắc xin tiêm phòng cho đàn gia cầm. Cùng với đó, đơn vị đã triển khai phun 1.200 lít thuốc tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh tại các chuồng, trại với tổng diện tích 720.000m2. Song song đó, đơn vị kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại 20 cơ sở kinh doanh giết mổ trên địa bàn, tránh tình trạng buôn bán, sử dụng thịt gia cầm, gia súc không có nguồn gốc. “Vào khoảng tháng 8, tháng 9 là bắt đầu mùa mưa, dễ phát sinh các bệnh như: heo tai xanh, cúm gia cầm. Đây cũng là thời điểm người dân bắt đầu tăng đàn để phục vụ bán dịp cận Tết. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình, phòng chống dịch bệnh xảy ra”, ông Tú nói.


V.T