06:11, 24/11/2015

Bao giờ hết cảnh thừa thầy, thiếu thợ?

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên đại học, cao đẳng ra trường không xin được việc làm là do ngành nghề học tập chưa phù hợp, các trường đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế xã hội...

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên (SV) đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ra trường không xin được việc làm là do ngành nghề học tập chưa phù hợp, các trường đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế xã hội...


Chật vật tìm việc làm


Tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh từ năm 2013, nhưng đến nay, chị Lê Huyền Thương (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) vẫn chưa tìm được việc làm. Chị cho biết: “Ngày trước, thấy các anh chị học ngân hàng ra trường xin việc dễ dàng nên tôi thi vào ngành này. Không ngờ, tốt nghiệp hơn 2 năm, đi xin việc ở cả chục ngân hàng, công ty tài chính đều bị từ chối”. Tuy chị Thương đã nhiều lần đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm cơ hội, có một vài đơn vị tuyển dụng nhưng đòi hỏi kinh nghiệm từ 2 đến 3 năm.   

 

Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức luôn thu hút nhiều người lao động  đến tìm cơ hội
Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức luôn thu hút nhiều người lao động đến tìm cơ hội


Nhiều người lao động ở các lĩnh vực khác cũng khó tìm được việc làm. Chị Trần Thị Thu (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) tốt nghiệp CĐ kế toán từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn ở nhà phụ giúp việc gia đình. “Bây giờ, xin vào cơ quan nhà nước rất khó; còn xin vào doanh nghiệp (DN) tư nhân thì họ lại yêu cầu có từ 3 năm kinh nghiệm nên tôi đành ở nhà phụ bố mẹ trồng tỏi và nộp đơn xin việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để chờ cơ hội”, chị Thu nói.


Theo thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi năm, tỉnh có khoảng 1.000 SV tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. Trong số đó, chỉ có khoảng 30% xin được việc làm đúng ngành nghề đào tạo, còn lại không xin được việc hoặc chấp nhận làm trái ngành nghề để chờ cơ hội.


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trung bình hàng năm, tỉnh có từ 7.000 đến 8.000 chỗ làm mới nhưng vẫn không đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu này, trong khi đó lượng SV tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm khá lớn. Điều này cho thấy, việc chọn nghề của học sinh (HS) và các trường ĐH, CĐ đào tạo SV chưa gắn với nhu cầu thực tế của DN, xã hội, thị trường lao động. Chẳng hạn, tại Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm có gần 10 đơn vị, DN hoạt động ở Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đặt hàng đào tạo hàng trăm lao động nghề du lịch. Tuy nhà trường đã tìm mọi cách để tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu nhưng vẫn không tuyển đủ. Đa số HS sau khi tốt THPT đều cố gắng thi vào ĐH, CĐ. Chính vì lựa chọn ngành học chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động dẫn đến SV tốt nghiệp khó tìm được việc làm.


Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng, thực hành thực tế cũng như kỹ năng mềm đã khiến người lao động rơi vào tình trạng khó khăn khi xin việc làm. Đại diện Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang cho biết, những lần tham gia tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm cho thấy, phần lớn người lao động có bằng cấp ĐH và CĐ giỏi về kiến thức chuyên môn, nhưng kỹ năng thực hành lại kém. Do đó, đơn vị phải tổ chức đào tạo lại số lao động đã tuyển dụng.


Cần định hướng chọn ngành nghề theo nhu cầu xã hội

 

Ông Nguyễn Anh Cường - Trưởng phòng Giới thiệu việc làm - Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, những năm gần đây, trung bình đơn vị tiếp nhận nhu cầu tìm việc làm của khoảng 5.000 SV/năm. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các DN chủ yếu tuyển dụng lao động học nghề, ít tuyển dụng lao động có bằng cấp ĐH, CĐ. Bởi, số lao động có bằng cấp ĐH, CĐ ở DN ít dao động, để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, họ chủ yếu cần lao động nghề.

Đã đến lúc các bậc phụ huynh và HS cần thay đổi tư duy, quan điểm của mình về chọn trường, chọn ngành nghề. Việc lựa chọn ngành nghề học tập cần gắn với nhu cầu thực tế xã hội, thị trường lao động, không nhất thiết phải chọn con đường học ĐH, mà có thể học nghề ít tốn chi phí, dễ xin được việc làm hơn. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, các cơ sở đào tạo nghề đã đào tạo cho hơn 20.000 người, trong đó có hơn 80% lao động học nghề xong tìm được làm việc với mức thu nhập ổn định.


Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS trước mỗi kỳ tuyển sinh rất quan trọng nhằm giúp các em có những lựa chọn đúng đắn với nghề nghiệp của mình trong tương lai. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần xây dựng chiến lược điều tra cung - cầu thị trường lao động để thấy xã hội đang cần ngành nghề gì, từ đó định hướng tuyên truyền cho người dân, HS nên lựa chọn ngay từ lúc thi tuyển vào các trường CĐ, ĐH. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần áp dụng bài toán cân đối cung cầu, đào tạo theo đơn đặt hàng của các DN, đơn vị; nâng cao chất lượng đào tạo để SV có cơ hội tìm việc làm và được tuyển dụng sau khi ra trường.


PHÚ VINH