11:07, 09/07/2021

Mở hướng tôn tạo di tích ở Khánh Sơn

Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có một số di tích cách mạng, khảo cổ chưa phát huy giá trị xứng tầm. Huyện Khánh Sơn cùng Sở Văn hóa và Thể thao đã kiến nghị với tỉnh về hướng đầu tư, tôn tạo những di tích này.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có một số di tích cách mạng, khảo cổ chưa phát huy giá trị xứng tầm. Huyện Khánh Sơn cùng Sở Văn hóa và Thể thao đã kiến nghị với tỉnh về hướng đầu tư, tôn tạo những di tích này.


Vị trí lưu niệm chưa phù hợp


Hiện nay, trên địa bàn huyện có di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008; di tích khảo cổ Dốc Gạo được đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Các di tích này là niềm tự hào của người dân Khánh Sơn về truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của các thế hệ cha ông, cũng như nền văn hóa độc đáo của đồng bào Raglai nơi đây. Nhằm phát huy giá trị các di tích vào cuộc sống, huyện đã lựa chọn những vị trí để đặt bia di tích, nơi lưu niệm để các tầng lớp nhân dân, du khách đến tham quan, học tập. Tuy nhiên, theo thời gian, những vị trí được lựa chọn đã bộc lộ nhiều bất cập.

 

Bia di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp hiện tại. Ảnh: Đinh Luận

Bia di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp hiện tại. Ảnh: Đinh Luận


Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, thời điểm công nhận di tích cấp tỉnh, cụm di tích lịch sử căn cứ cách mạng Tô Hạp gồm 3 địa điểm: Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp), di tích lịch sử căn cứ cách mạng Xóm Cỏ (xã Sơn Bình), di tích lịch sử căn cứ cách mạng Suối Giá (xã Ba Cụm Bắc). Sau khi xếp hạng, trung tâm đã xây dựng 2 bia di tích ở khu vực Tô Hạp và Xóm Cỏ. Đến năm 2017, cả 2 bia di tích này được sửa chữa làm mới lại, nhưng việc phát huy giá trị di tích còn nhiều hạn chế. Các địa điểm di tích nằm cách xa nhau, trải rộng trên địa bàn 3 xã, thị trấn, do đó gặp khó khăn trong công tác quản lý, đầu tư, bảo tồn phát huy giá trị di tích.


Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, hiện bia di tích khảo cổ Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) đã xuống cấp, vị trí giới thiệu di chỉ nằm trên diện tích nhỏ hẹp, khuôn viên chưa được đầu tư xây dựng phù hợp. Đối với khu vực lưu niệm di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp, địa điểm di tích ở Suối Giá chưa được dựng bia; địa điểm bia di tích tại Tô Hạp, Xóm Cỏ nằm ở vị trí không thuận lợi, diện tích nhỏ và thiếu tính ổn định, dễ bị xói lở do thời tiết mưa nhiều.


Cần tách các di tích


Theo quy định, di tích sau khi xếp hạng sẽ được bàn giao cho các địa phương sở tại quản lý, tôn tạo, khai thác. Nhưng từ đặc thù của di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp gồm 3 địa điểm nằm ở 3 xã, thị trấn khác nhau nên đã phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý, phát huy giá trị di tích. Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, để phát huy giá trị di tích, huyện đã có chủ trương đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng các khu di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa Tô Hạp, Xóm Cỏ, Suối Giá, Dốc Gạo. Trong đó, huyện đề nghị tách cụm di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp với 3 địa điểm như hiện tại thành 3 di tích riêng và tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh cho cả 3 di tích. Vì mỗi địa danh đều gắn liền với những đóng góp, chiến công của quân và dân huyện Khánh Sơn. Đây là việc làm cần thiết nhằm huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đó, tiến hành lập hồ sơ để xếp hạng đối với di tích khảo cổ Dốc Gạo. Vị trí đặt các bia di tích, cũng là điểm lưu niệm, cần được xác định lại cho phù hợp hơn. Cụ thể, huyện đề xuất bia căn cứ cách mạng Tô Hạp dời về khu vực đồi thông (gần Ban Chỉ huy Quân sự huyện) có khuôn viên rộng, vị trí thuận lợi để người dân và du khách dễ dàng đến tham quan, học tập. Đối với các di tích Suối Giá, Xóm Cỏ, Dốc Gạo, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, xác định các vị trí phù hợp.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc xem xét cho phép tách 3 địa điểm của di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp thành 3 di tích để xếp hạng. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Đối với việc lập hồ sơ di tích khảo cổ Dốc Gạo, đề nghị huyện Khánh Sơn thống nhất quy hoạch quỹ đất dành cho địa điểm lưu niệm. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh sẽ tiến hành các bước theo quy định. Sau khi các di tích được công nhận như đề xuất, sở sẽ phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn tiến hành thực hiện lại các bia di tích cho phù hợp hơn; đồng thời lắp đặt một số bảng chỉ dẫn di tích tại các vị trí thích hợp. Khi các công việc trên hoàn thành, sẽ tiếp tục nghiên cứu các nội dung để phát huy giá trị di tích.


Giang Đình