02:07, 16/07/2007

Phát hiện khảo cổ gây chấn động tại Tây Nguyên

Những ngày cuối tháng 6-2007, Viện Khảo cổ học Việt Nam trong khi tiến hành khai quật di chỉ Buôn Râu ở vùng trũng Krông Păk (Đắc Lắc) đã có những phát hiện gây chấn động...

Một mộ vò được phát hiện trong khu vực khảo cổ Buôn Râu.

Những ngày cuối tháng 6-2007, Viện Khảo cổ học Việt Nam trong khi tiến hành khai quật di chỉ Buôn Râu ở vùng trũng Krông Păk (Đắc Lắc) đã có những phát hiện gây chấn động về một nền văn hóa từng phát triển rực rỡ nhưng chưa được biết đến tại khu vực này.

Theo khảo sát sơ bộ, đó có thể là dấu tích của một nền văn minh thời kỳ hậu kỳ đá mới (cách đây khoảng 3.000 năm).

Di chỉ này được phát hiện lần đầu năm 2001 do những người dân ở Buôn Râu, xã Hòa Tiến, huyện Krông Păk (Đắc Lắc) khi tiến hành đào hố trồng cà phê và hồ tiêu đã tìm thấy nhiều dụng cụ bằng đá và mảnh gốm, nghi là đồ cổ nên người dân đã mang nộp cho Bảo tàng Đắc Lắc.

Từ nguồn tin trên, năm 2003, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành xác minh sơ bộ khu di chỉ Buôn Râu rộng 1,5ha và xác định được đây là một trong những di chỉ có giá trị về khảo cổ học. Theo thời gian, di chỉ Buôn Râu bị tàn phá bởi người dân đào hố trồng cà phê, hồ tiêu một cách tràn lan làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai quật.

Tuy nhiên, sau 10 ngày tìm kiếm vất vả, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học Việt Nam do tiến sĩ Trần Quý Thịnh phụ trách vẫn phát hiện nhiều cổ vật có giá trị. Khi khai quật một diện tích 48m² ở độ sâu chỉ 50cm, đoàn khảo cổ đã phát hiện được số lượng hiện vật hết sức dồi dào gồm hàng vạn mảnh gốm, hàng trăm dụng cụ đồ đá và 3 mộ vò, 1 mộ đất. Hiện vật có giá trị nhất là những dụng cụ bằng đá như rìu tứ giác, rìu chuôi nhọn, rìu hình thang, vòng đá, bàn mài bằng đá, đá nguyên liệu…

Trong số các đồ trang sức bằng đá đã tìm thấy, ngoài các vòng tay bằng đá, hạt chuỗi vòng đá thạch anh, đáng chú ý còn có hạt chuỗi vòng đá bằng chất liệu đá silic được mài rất nhẵn và tròn. Một lỗ nhỏ như cây tăm xuyên suốt chiều dài 10cm của hạt chuỗi thể hiện kỹ thuật khá cao và tinh xảo của thợ chế tác đá thời bấy giờ.

Qua các hiện vật tìm thấy cho đến nay, đoàn khảo cổ cho rằng đây có thể là một di chỉ cư trú lâu dài, đồng thời cũng là nơi chế tác những đồ trang sức mang tính chuyên nghiệp hóa cao phục vụ nhu cầu làm đẹp của người tiền sử.

Tiến sĩ Trần Quý Thịnh cho biết: “Những cổ vật ở di chỉ Buôn Râu đã phản ánh được những cư dân ở vùng trũng Krông Păk có mối quan hệ với cư dân Nam Tây Nguyên ở lưu vực sông Đồng Nai và phía Bắc Tây Nguyên ở lưu vực sông Pô Cô”. Những cổ vật đã tìm thấy ở khu vực này đã góp phần củng cố cho các nhà chuyên môn nhận định: Tây Nguyên đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ không thua kém nền văn hóa sông Hồng và sông Mã.

Và cũng từ đó nảy sinh câu hỏi đâu là nguyên nhân khiến nền văn minh đang phát triển rực rỡ đó lại bị “chững lại” trong một thời gian dài? Đây được xem là một trong những bí mật lớn của ngành khảo cổ cũng như lịch sử Việt Nam hiện nay.

Theo Sài Gòn Giải Phóng