05:03, 19/03/2020

Cam Lâm: Người trồng mì thất thu

Thời tiết nắng nóng, không mưa kéo dài đã khiến nhiều diện tích cây trồng ở huyện Cam Lâm, đặc biệt là cây mì bị thiệt hại nặng khi năng suất chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
 

Thời tiết nắng nóng, không mưa kéo dài đã khiến nhiều diện tích cây trồng ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), đặc biệt là cây mì bị thiệt hại nặng khi năng suất chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
 
Nông dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cam Lâm đang vào vụ thu hoạch mì. Tuy nhiên, đa số người trồng mì không vui vì năm nay mì thất thu. Ông Lê Bá Thành (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết: “Ruộng mì của gia đình tôi có diện tích hơn 1,5ha. Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn không có mưa từ cuối tháng 11 đến nay, nên cây mì thiếu nước, khó tạo củ, năng suất thấp, chỉ đạt bình quân 9 đến 10 tấn/ha, trong khi những năm thuận lợi lên đến 27 đến 28 tấn/ha”. Theo ông Thành, với năng suất này, sau khi trừ chi phí, nông dân bị lỗ. Hầu hết trong số hơn 90ha mì ở Cam Hiệp Bắc đều chung cảnh ngộ.

 

Nông dân vận chuyển mì đi tiêu thụ.
Nông dân vận chuyển mì đi tiêu thụ.
 
Ở xã Cam An Bắc, nhiều hộ trồng mì cũng kém vui khi năng suất mì thấp, giá mì không cao bằng năm trước. Thời điểm này năm trước, giá mì tươi thương lái thu mua 2.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 1.600 đồng/kg. Tình trạng này khiến nông dân thiệt đơn thiệt kép. Vụ mì này, toàn xã Cam An Bắc có 173ha mì, 100% diện tích bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng hạn, trong đó có 73ha bị dịch bệnh nên năng suất thấp hơn trung bình những năm trước.
 
Năm nay, gia đình ông Trần Văn Trung (xã Cam An Bắc) trồng 4ha mì, phần thì chết, phần thì cây èo uột, củ rất nhỏ. Dự kiến, gia đình ông chỉ thu được 40 tấn mì tươi, giảm 80 tấn so với những năm thời tiết thuận lợi. Theo kinh nghiệm của ông Trung, nếu năng suất mì đạt từ 25 tấn trở lên thì với giá bán 1.600 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi. Năm nay, tuy giá bán đạt nhưng nông dân vẫn thua lỗ vì năng suất kém. 
 
Theo ông Hồ Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc, giá mì phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Một số thương lái thu mua mì đi các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh nhưng sản lượng thu mua năm nay thấp. Trên địa bàn xã, người dân không còn mặn mà chế biến mì lát, mì bột mà chọn cách bán mì tươi cho thuận lợi.
 
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, trên địa bàn huyện có gần 1.300ha mì, tăng gần 200ha so với năm trước (chủ yếu từ diện tích mía chuyển sang); tập trung chủ yếu tại các xã: Cam An Bắc, Cam Tân, Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc… Năm nay, tuy năng suất cây mì giảm nhưng nông dân vẫn tiếp tục chọn trồng mì thay vì trồng mía. Vấn đề khiến họ lo lắng là giống mì để trồng vụ mới. Nông dân nhiều địa phương đã liên hệ với các nơi khác cũng như nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn để tìm nguồn giống. Lãnh đạo một số xã cho rằng, giống mì ở địa phương chủ yếu do nông dân tự nhân giống nhưng nhiều diện tích bị thiệt hại vì nắng hạn nên có nguy cơ thiếu giống. Trước mắt, chính quyền địa phương vận động người dân chủ động một phần nguồn giống cho vụ sau, đồng thời kiến nghị cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ tìm nguồn giống mì đảm bảo chất lượng cho người dân trồng vụ mới, bởi giống mì ở địa phương hiện đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm dịch bệnh.
 
HẢI LĂNG