09:04, 26/04/2019

Tháo gỡ khó khăn cho cây mía đường

Năng suất thấp, chi phí thu hoạch tăng, vận chuyển về nhà máy khó khăn, giá thu mua thấp nhất từ trước tới nay…

Năng suất thấp, chi phí thu hoạch tăng, vận chuyển về nhà máy khó khăn, giá thu mua thấp nhất từ trước tới nay… là những khó khăn của người trồng mía trong  niên vụ 2018 - 2019. Hội Mía đường Khánh Hòa đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ nông dân giảm bớt khó khăn.
 
Người trồng mía Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn trong niên vụ này.
Người trồng mía Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn trong niên vụ này.
 
Nhiều khó khăn
 
Theo Hội Mía đường Khánh Hòa, niên vụ 2018 - 2019, cây mía phải chịu nhiều đợt nắng hạn kéo dài, trong khi hầu hết diện tích trồng mía hiện nay không chủ động về nước tưới. Chưa kể, do niên vụ trước bị thua lỗ, người trồng mía giảm mức độ đầu tư, phân bón, tưới tiêu nên đến khi thu hoạch, năng suất mía bình quân chỉ đạt 35 - 40 tấn/ha, chỉ bằng khoảng 2/3 so với những năm trước. Năm nay, thêm một khó khăn mà người trồng mía phải gánh chịu đó là công lao động thu hoạch mía tiếp tục khan hiếm, giá công tăng cao, phổ biến từ 200.000 đến 300.000 đồng/tấn.
 
Không chỉ thất thu về năng suất, chi phí thu hoạch tăng, cây mía còn phải đối diện với giá thu mua thấp nhất từ trước tới nay. Cụ thể, đối với mía 10 chữ đường, Công ty Đường Biên Hòa - Ninh Hòa mua với giá 695.000 đồng/tấn; Công ty Đường Việt Nam (Vietsugar) thu mua với giá 720.000 đồng/tấn.
 
Ngoài ra, trong văn bản Hội Mía đường Khánh Hòa kiến nghị tỉnh vào giữa tháng 3-2019, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar) dừng ép mía đột xuất từ ngày 9 đến 14-3, khiến lượng mía đã thu hoạch phải phơi đồng nhiều ngày, làm giảm chữ đường, số lượng mía bị ảnh hưởng lên đến hàng chục ngàn tấn, thiệt hại lớn cho nông dân. Mặt khác, Vietsugar áp dụng phương thức hỗ trợ người trồng mía chi phí vận chuyển, nông dân tự liên hệ phương tiện vận chuyển, điều này cũng nảy sinh nhiều khó khăn đối với người trồng mía. “Thêm một trở ngại  nữa, đó là hiện nay việc kiểm tra, kiểm soát chữ đường tại các nhà máy đường của các cơ quan chức năng chưa thực sự mang lại niềm tin cho người trồng mía. Hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng chỉ diễn ra 1 lần/nhà máy/vụ ép là quá ít, khó tránh khỏi những hoài nghi của người trồng mía”, ông Phạm Văn Chương - Chủ tịch Hội Mía đường Khánh Hòa cho biết.
 
Tìm hướng tháo gỡ
 
Trước những đề xuất, kiến nghị của Hội Mía đường tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát và tìm hướng tháo gỡ.
 
Theo Sở NN-PTNT, do sự cố ngoài ý muốn, từ ngày 9 đến 14-3, Vietsugar phải tạm ngừng hoạt động. Điều này khiến cho 12.000 tấn mía tồn trên đồng theo lịch thu hoạch không được đưa về nhà máy sản xuất, bị giảm chất lượng. Đến ngày 15-3, công ty đã thu mua hết số lượng mía bị tồn đọng, đồng thời thực hiện bồi thường chất lượng mía bị giảm, đảm bảo chữ đường bằng với chữ đường bình quân của các hộ trước đó, tổng số tiền bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng. Việc giải quyết này là thỏa đáng, kịp thời, đến nay chưa có phản hồi khác.
 
Ông Phạm Văn Chương - Chủ tịch Hội Mía đường Khánh Hòa: Tùy vào chân ruộng, khu vực, nhưng nhìn chung 1ha mía tơ niên vụ này cho thu hoạch bình quân 50 tấn mía. Người trồng mía thu về 35 triệu đồng tiền bán mía, nhưng chi phí đầu tư, thu hoạch hết 45 triệu đồng. Đối với mía lưu gốc, chi phí bỏ ra là 35 triệu đồng và tiền bán mía vừa đủ bù chi, người nông dân không có lãi. Tổng diện tích mía trên toàn tỉnh năm nay khoảng 17.000ha, hiện 80% lượng mía đã được thu hoạch. Diện tích này giảm so với năm trước và dự kiến sau niên vụ này sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc chuyển sang trồng cây gì thay thế cây mía đang là vấn đề nan giải, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn.
Đối với những khó khăn trong việc vận chuyển mía, Sở NN-PTNN cho rằng, trong điều kiện sản xuất còn manh mún như hiện nay, việc công ty để nông dân tự liên hệ xe vận chuyển mía là chưa phù hợp và gây thêm khó khăn cho người trồng mía. Vietsugar cần tổ chức vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy.
 
Đối với những nghi ngại về chất lượng mía nguyên liệu, ngày 21 và 22-3-2019, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở NN-PTNT chủ trì đã tổ chức kiểm tra công tác xác định chất lượng mía và tiến hành lấy mẫu tại 2 nhà máy đường để kiểm tra. Kết quả đo chữ đường tại cơ quan chức năng tương đương với kết quả do nhà máy đo được. Tuy nhiên, để kiểm soát hơn nữa việc xác định chất lượng mía nguyên liệu, sở sẽ tăng tần suất kiểm tra, lấy mẫu đột xuất tại các nhà máy để xác định chất lượng mía nguyên liệu tại các nhà máy. Sở cũng đề nghị 2 công ty đường công khai quy trình xác định chất lượng mía nguyên liệu theo quy chuẩn để người bán mía biết, phối hợp thực hiện. Về lâu dài, chủ trương thành lập đơn vị độc lập xác định chất lượng mía nguyên liệu đã được thông qua. Khi các bộ, ngành Trung ương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu tỉnh thành lập đơn vị này tại Khánh Hòa.
 
Được biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía Khánh Hòa không được hưởng niềm vui thu hoạch. Ngoại trừ một số ít hộ có diện tích lớn, chủ động về nước tưới, đầu tư mạnh, nhất là áp dụng tối đa cơ giới hóa vào sản xuất… còn thu được lợi nhuận từ cây mía, hầu hết các hộ trồng mía còn lại đều rơi vào cảnh huề vốn hoặc thất bát khi thời tiết không thuận lợi, giá thu mua liên tục giảm.
 
Hồng Đăng