09:03, 21/03/2019

Khởi nghiệp với nấm rơm

Một nhóm thanh niên ở xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nấm sạch. Bước đầu, mô hình này đã mang lại những tín hiệu tích cực.

 

Một nhóm thanh niên ở xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nấm sạch. Bước đầu, mô hình này đã mang lại những tín hiệu tích cực.


Từ ý tưởng giải quyết việc làm cho một số thanh niên nhàn rỗi tại địa phương, anh Ngô Xuân Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Lương đã đứng lên kêu gọi một nhóm thành lập tổ hợp tác nấm sạch. Anh Đức cho biết, trước đây ở địa phương, sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân có diện tích canh tác ở những chân ruộng cao thường làm nấm rơm bên ngoài trời. Tuy nhiên, việc này tự phát và nhỏ lẻ, làm theo kinh nghiệm nên manh mún và không phát triển, được một thời gian thì không ai còn làm nữa. Trong khi đó, vùng đất Vạn Lương là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu rơm sạch cho rất nhiều vùng trồng nấm tại Nha Trang và các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên. Nhận thấy những lợi thế đó, anh Đức đã kêu gọi một số thanh niên trong xã cùng làm.

 

Anh Đức bên mô hình trồng nấm rơm sạch.

Anh Đức bên mô hình trồng nấm rơm sạch.


“Ban đầu, chỉ có tôi và một người bạn, sau này có thêm 6 thanh niên cùng chung tay, góp vốn để thành lập tổ hợp tác nấm sạch. Tổ mới thành lập từ tháng 11-2018 và sau Tết Nguyên đán mới bắt đầu hoạt động. Chúng tôi gom được 200 triệu đồng, xin thuê khu sân kho của Hợp tác xã Vạn Lương 1 với giá ưu đãi, chỉ 3 triệu đồng/năm, trong 5 năm. Sau đó, anh em tranh thủ ban đêm tập trung để làm trại nuôi nấm trong nhà. Do kinh phí hạn hẹp nên lán trại mọi thứ đều do thành viên trong tổ hợp tác tự làm. Giống nấm được chúng tôi mua từ một cơ sở uy tín tại thị xã Ninh Hòa”, anh Đức cho biết.


Nói về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm, anh Trần Trọng Hoan chia sẻ, do mới bắt đầu triển khai mô hình nên gặp khá nhiều khó khăn, các thành viên chủ yếu học trên mạng và tham khảo một số kinh nghiệm của các cơ sở khác. Khó nhất là khâu ủ rơm phải đúng phương pháp, dùng nhiệt độ thanh trùng xử lý rơm nguyên liệu hoàn toàn sạch mầm bệnh (không còn mọt rơm). Sau khi ủ được cấy giống, nuôi ủ, trộn với chất bổ sung và xếp lên giàn kệ chăm sóc cho nấm phát triển. “Tiêu chí sạch được đưa lên hàng đầu của tổ hợp tác, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, không bón phân vô cơ. Nấm đạt yêu cầu phải có hình dạng nấm khô ráo, gốc nấm trắng, màu sắc sáng tự nhiên. Do mới trồng nên tỷ lệ chưa thực sự cao, anh em dự tính sẽ đi học tập kinh nghiệm và mời thêm một kỹ sư chuyên trồng nấm tại Nha Trang hướng dẫn kỹ thuật. Hiện tổ cung cấp hai loại, loại 1: nấm búp cứng giòn có giá 100.000 đồng/kg và loại 2 nấm chưa nở nhọn đầu hoặc vừa nứt đầu vỏ với giá 80.000 đồng/kg”, anh Hoan nói.


Sau khi đi vào hoạt động, từ sau Tết đến nay, tổ hợp tác trồng nấm sạch trong nhà tại Vạn Lương đã có những kết quả ban đầu. Tổ đã thu được hơn 2 tạ nấm sạch trên diện tích gần 180m2. Nói về hướng đi trong thời gian tới, các thành viên cho hay đang làm thủ tục vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất, làm thêm 3 nhà nấm. Đồng thời, tổ cũng đã làm việc với các trường mầm non trên địa bàn và nhiều nơi đã đồng ý hợp tác, cung cấp nấm sạch cho các cháu. Không chỉ vậy, tổ cũng làm các kiot đưa ra các khu vực đông dân cư giới thiệu và bán sản phẩm.


Khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm rơm sạch không phải mới nhưng cũng là một hướng phát triển kinh tế với kỳ vọng lớn từ nhóm thanh niên này. Mục tiêu của họ hướng đến sản xuất theo quy trình VietGAP, cung cấp cho người dân sản phẩm chất lượng tốt nhất.


MẠNH HÙNG