11:01, 07/01/2018

Vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm để bảo quản thực phẩm

Theo cơ quan chức năng, trong năm 2017, các sản phẩm thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nhìn chung đã được kiểm soát tốt trước khi đến tay người dùng. Tuy nhiên, ở một số chợ truyền thống, tình trạng sử dụng chất cấm để bảo quản thực phẩm vẫn còn diễn ra.

Theo cơ quan chức năng, trong năm 2017, các sản phẩm thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nhìn chung đã được kiểm soát tốt trước khi đến tay người dùng. Tuy nhiên, ở một số chợ truyền thống, tình trạng sử dụng chất cấm để bảo quản thực phẩm vẫn còn diễn ra.


Nhiều mẫu không đạt tiêu chuẩn


Năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã tiến hành lấy 635 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó chú trọng lấy mẫu thịt, rau củ quả, thủy sản tại các cơ sở sản xuất, chế biến để kiểm tra. Kết quả cho thấy, có 414 mẫu đạt yêu cầu, 169 mẫu không đạt và 52 mẫu chưa có kết quả. Đối với 169 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), chủ yếu là mẫu thịt tươi các loại và hầu hết đều nhiễm vi sinh. Chi cục đã yêu cầu các cơ sở này tạm ngừng sản xuất, chế biến và nghiêm cấm đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp khắc phục, tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Sau quá trình khắc phục, phải đến khi cơ quan chức năng tái kiểm tra, đạt yêu cầu mới tiếp tục cho phép kinh doanh.

 

Chế biến cá hồi tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại Siêu thị thực phẩm sạch 3F.

Chế biến cá hồi tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại Siêu thị thực phẩm sạch 3F.


Đối với các mặt hàng kinh doanh ở các chợ truyền thống, trong số 220 mẫu thủy sản, thịt, rau các loại được tiến hành kiểm nghiệm chỉ tiêu vi sinh, hóa học, chỉ có 89 mẫu đạt yêu cầu (chiếm 40,5%), 79 mẫu không đạt (35,9%) và 52 mẫu chưa có kết quả. Điều này cho thấy các mẫu thực phẩm chưa đạt chỉ tiêu vi sinh còn chiếm tỷ lệ lớn. Theo Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản tỉnh, hầu hết các mẫu thủy sản đều phát hiện có ure; một số mẫu măng, dưa muối phát hiện Auramine O; một số mẫu rau phát hiện ure và một số mẫu thịt có chỉ tiêu vi sinh (E-coli, TPC) vượt quá giới hạn cho phép.


Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản tỉnh nhìn nhận, bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định về ATTP, vẫn còn một số cơ sở thiếu ý thức, chưa tuân thủ đúng các quy định về sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Một số cơ sở còn lén lút sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, chẳng hạn như: sử dụng hóa chất chưa được phép sử dụng để sản xuất giá đỗ; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để chế biến cà phê; sử dụng hàn the, ure để ướp hải sản và sản xuất giò chả; sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trọng trong chăn nuôi… Có nhiều lý do, bên cạnh ý thức của người sản xuất, kinh doanh, một trong những nguyên nhân được rút ra đó là các mặt hàng thực phẩm chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đơn vị này chưa được chặt chẽ, còn có sự chồng chéo giữa các đơn vị quản lý… khiến cho công tác quản lý vệ sinh ATTP hiện nay gặp không ít khó khăn.


Tăng cường kiểm soát


Theo lãnh đạo Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản tỉnh, Khánh Hòa là một thị trường nhỏ, nguồn hàng cung ứng tương đối ít, nên công tác kiểm soát vệ sinh ATTP tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng và áp dụng các chương trình QLCL tiên tiến như: GMP, SSOP và HACCP vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản ngày càng được triển khai nhiều, mang lại kết quả cao. Nhờ đó, số lượng cơ sở áp dụng các chương trình QLCL và được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP ngày càng tăng; kiến thức chung về ATTP cũng như việc tự giác sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, khắc phục các lỗi sai sót cũng được các cơ sở quan tâm thực hiện.


Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, trong năm 2017, chi cục đã tiến hành kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo ATTP cho hơn 530 cơ sở, đồng thời tiến hành cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP cho 169 cơ sở, nâng số cơ sở đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đủ điều kiện lên 641 cơ sở. Cùng với đó, trong năm đã có 25 lớp tập huấn với hơn 1.500 lượt người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh tham gia, giúp nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực này cho các cơ sở.


Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm 10 địa chỉ kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, nâng số địa chỉ lên 26. Đây là những cơ sở hạt nhân được “chọn mặt gửi vàng” nhằm nâng cao hơn nữa ý thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản theo hướng an toàn. Theo ông Việt, trong năm 2018, bên cạnh đẩy mạnh việc triển khai các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn, một trong những thay đổi lớn đang được hình thành, đó là các tem nhãn trên sản phẩm được bày bán ở các cơ sở này sẽ sử dụng mẫu mới, có tính chất chống giả, chống tái sử dụng và đặc biệt là dựa vào chiếc tem này, người dùng có thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. “Trước đây, tem chứng nhận an toàn chỉ mới dừng lại ở việc nhận diện sản phẩm. Mẫu tem mới sẽ giúp người dùng và cơ quan quản lý truy xuất được cả nguồn gốc, chẳng hạn như sản xuất ở đâu, vào thời điểm nào…”. Được biết, tại Siêu thị thực phẩm sạch 3F (số 9 Pasteur, Nha Trang) và Siêu thị Co.opmart Nha Trang (số 2, Lê Hồng Phong, Nha Trang) đã có một số sản phẩm nông lâm thủy sản được dán loại tem này.


H.Đăng