10:01, 15/01/2018

Khánh Vĩnh: Xây dựng mô hình trồng dứa Cayenne

Dứa Cayenne cho quả lớn. Đây hứa hẹn là cây trồng có thể giúp nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo…

Dứa Cayenne cho quả lớn. Đây hứa hẹn là cây trồng có thể giúp nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo…


Huyện Khánh Vĩnh vừa nghiệm thu đề tài xây dựng mô hình trồng dứa Cayenne, do kỹ sư Lưu Nguyên thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện làm chủ nhiệm. Đề tài triển khai trong 2 năm 2016 - 2017, xây dựng 2 mô hình trồng thử nghiệm dứa Cayenne tại xã Khánh Phú và Khánh Thượng, mỗi mô hình 5.000m2, đồng thời tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác dứa Cayenne cho hơn 80 nông dân nhằm nhân rộng mô hình.

 

Mô hình trồng dứa Cayenne tại Khánh Phú.

Mô hình trồng dứa Cayenne tại Khánh Phú.


Theo kỹ sư Lưu Nguyên, hiện nay, trên thị trường có nhiều giống dứa, nhiều nhất là dứa nhập từ Tiền Giang, trái nhỏ, vàng. Tuy nhiên, giống dứa Cayenne Lâm Đồng (người Pháp nhập vào Việt Nam) là giống khá lâu đời, chống chịu được sâu bệnh héo đỏ, năng suất cao, quả to, từ 3 đến 5kg, hình dáng đẹp, chất lượng thơm ngon, thích hợp chế biến đồ hộp. Do dứa có chất lượng cao nên cần được chú ý nhân rộng. Qua khảo sát cho thấy Khánh Vĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây dứa Cayenne. Trên thực tế, cây dứa này được người dân Khánh Vĩnh gây trồng nhiều nhất tại các xã: Liên Sang, Khánh Phú, Khánh Thượng, song năng suất, sản lượng vẫn còn thấp. Năm 2012, toàn huyện có 55ha trồng dứa Cayenne, đến năm 2017 tăng lên 75ha; năng suất từ 2,57 tấn/ha (năm 2015) lên 2,89 tấn/ha (năm 2017). Sản lượng dứa Cayenne tại Khánh Vĩnh còn khiêm tốn, chỉ khoảng 200 - 250 tấn/năm, chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường du lịch Nha Trang. Nếu xây dựng nhà máy thu mua, chế biến, đóng hộp xuất khẩu dứa thì nhu cầu còn lớn hơn rất nhiều.

 

Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu: Đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, tìm kiếm giải pháp chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa ra giống cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, nhân lực. Tuy nhiên, đề tài đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật nên khó triển khai rộng trên thực tế (ra hoa trái vụ) trong khi đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế trình độ thâm canh. Đề tài được xếp loại khá.

Nhìn nhận dứa là cây trồng phù hợp có thể bổ sung vào hệ thống cây trồng chính và mở rộng quy mô sản xuất trên địa bàn huyện, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và thay đổi cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững, huyện Khánh Vĩnh đã mạnh dạn đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài xây dựng mô hình trồng dứa Cayenne để tạo lập cơ sở khoa học về sản xuất cây dứa, từ đó nhân rộng mô hình qua đó đã được sở cấp 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện.


Sau 2 năm thực hiện, đề tài kết luận: tỷ lệ sống cây dứa Cayenne sau 12 tháng đạt 93,1 - 98,4%; mật độ trồng 26.316 cây/ha; khối lượng quả 2,68 - 3,04kg; dứa bị rệp sáp hại quả và bệnh thối nõn, nhiễm vi rút trên cây dứa mức độ nhẹ; lợi nhuận ròng từ 2 mô hình khoảng 177 - 227 triệu đồng/ha/năm... Theo kỹ sư Lưu Nguyên, dứa Cayenne là cây trồng phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đất xấu, đồi dốc, chi phí chủ yếu là mua giống, chi phí chăm sóc, thu hoạch không lớn, chủ yếu cần sức lao động, cần mẫn. Nếu có điều kiện đầu tư thâm canh thì năng suất, chất lượng sẽ cao, thu nhập tốt. Theo tính toán mô hình thâm canh, chi phí khoảng 100 triệu đồng/ha.

 
Kỹ sư Lưu Nguyên cho biết, đề tài cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất quy trình nhân giống và hoàn thiện phương thức gây trồng nhằm chủ động nguồn giống cung cấp cho nhu cầu canh tác; đồng thời tăng cường tập huấn, “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần phải khảo sát về nhu cầu thị trường, tiềm năng phát triển của nguồn nguyên liệu này phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu...


V.Lạc