11:01, 31/01/2018

Khánh Sơn: Tập trung cải tạo vườn tạp

Để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

 

Để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) phát triển kinh tế, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.


Ông Cao Minh Thẩm (thôn A Pa II, xã Thành Sơn) cho biết: “Gia đình tôi có gần 1ha đất vườn quanh nhà, trước đây trồng mỗi thứ mỗi ít, thu nhập không được bao nhiêu. Khi thấy các hộ người Kinh trong xã trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả, tôi đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, đăng ký và được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật… để thực hiện mô hình trồng thâm canh bưởi da xanh. Trên diện tích 0,5ha, tôi trồng 250 cây bưởi; hiện nay, cây phát triển khá tốt, tỷ lệ cây sống đạt 100%. Hy vọng khoảng 2 năm nữa vườn bưởi sẽ giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.

 

Nhiều diện tích sản xuất kém hiệu quả ở Khánh Sơn đã được chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh.

Nhiều diện tích sản xuất kém hiệu quả ở Khánh Sơn đã được chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh.


Tuy mương thủy lợi chảy qua sau lưng nhà, đất đai khá màu mỡ rất phù hợp với các loại cây có múi nhưng gần 0,3ha vườn quanh nhà bà Bo Bo Thi (xã Sơn Trung) trồng đủ thứ loại cây, cây nào cũng èo uột. “Biết trồng như vậy hiệu quả thấp, nhưng ngặt nỗi gặp khó khăn nên gia đình tôi chưa thể cải tạo vườn tạp. Nếu được hỗ trợ giống, tôi sẽ phá bỏ toàn bộ các loại cây trồng cũ để trồng bưởi, các hộ xung quanh trồng đạt kết quả rất tốt”, bà Thi nói.


Tuy chưa có thống kê chính xác về số lượng vườn tạp trên địa bàn huyện Khánh Sơn nhưng xác nhận của chính quyền cơ sở cũng như qua các đợt khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đều xác định, số lượng vườn tạp tại Khánh Sơn còn khá lớn, tập trung chủ yếu ở các hộ ĐBDTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: “Khánh Sơn là địa phương rất thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và thực tế nhiều loại nông sản Khánh Sơn đã khẳng định được thương hiệu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh những nhà vườn có quy mô lớn, được đầu tư bài bản thì vẫn còn quá nhiều vườn tạp, người dân sản xuất manh mún, nhất là các hộ ĐBDTTS, hộ nghèo. Huyện Khánh Sơn cần phải xác định lợi thế phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để các hộ ĐBDTTS, hộ nghèo cải tạo lại vườn tạp, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; chú trọng giải pháp kỹ thuật để bảo vệ các loại cây trồng…”.


Qua trao đổi với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, được biết, giai đoạn 2016 - 2020, địa phương sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 1.055ha; trong đó, chuyển đổi hơn 54,5ha sản xuất lúa nước kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây mía tím; 1.000ha trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, mía tím và cây công nghiệp khác. Chỉ tính riêng năm 2017, Khánh Sơn đã cải tạo, chuyển đổi hơn 228,7ha vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng có thu nhập cao. Trong đó, 63ha bưởi da xanh, hơn 112,4ha cây sầu riêng, 36ha chôm chôm, hơn 17,3ha mía tím. “Mới đây, huyện đã thông qua đề án phát triển cây ăn quả (chôm chôm, bưởi da xanh) giai đoạn 2017 - 2020, với kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng, hỗ trợ chuyển đổi 170ha vườn tạp sang phát triển cây ăn quả. Bên cạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, đề án này còn tập trung hỗ trợ các hộ người Kinh nghèo, hộ ĐBDTTS cải tạo các vườn tạp, chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng chôm chôm, bưởi da xanh để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho hay.


Để chuyển đổi bền vững các vườn tạp, diện tích cây trồng kém hiệu quả, UBND huyện Khánh Sơn xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hộ nghèo, hộ ĐBDTTS từ bỏ vườn tạp, thay đổi cách thức sản xuất; tập trung hỗ trợ các hộ về kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, nhất là việc hướng dẫn người dân lựa chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng của từng khu vực; chú trọng xúc tiến thương mại để tìm đầu ra ổn định cho người dân…


BÍCH LA