11:01, 12/01/2018

Bảo hiểm hàng hóa cho tiểu thương: Vẫn còn bỏ ngỏ

Đối với tiểu thương ở chợ, lô sạp hàng hóa là tài sản quan trọng nhất. Trong trường hợp phát sinh rủi ro, nếu có bảo hiểm hàng hóa, tiểu thương sẽ giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề bảo hiểm hàng hóa cho tiểu thương còn nhiều khó khăn.
 

Đối với tiểu thương ở chợ, lô sạp hàng hóa là tài sản quan trọng nhất. Trong trường hợp phát sinh rủi ro, nếu có bảo hiểm hàng hóa, tiểu thương sẽ giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề bảo hiểm hàng hóa cho tiểu thương còn nhiều khó khăn.
 
Nhu cầu cần thiết
 
Bà Sử Duy Nga có 2 lô quần áo ở chợ Vĩnh Hải, giá trị hàng hóa của sạp hàng khoảng 500 triệu đồng vào ngày thường, khoảng 1 tỷ đồng vào thời điểm Tết. Đây là nguồn thu nhập chính và cũng là toàn bộ tài sản của gia đình bà. Vì vậy, bà Nga luôn lo lắng về những rủi ro như: mất cắp, cháy nổ… Tuy nhiên, khi được hỏi đã mua bảo hiểm hàng hóa chưa thì bà cho biết chưa mua bao giờ. “Năm 1993, gia đình tôi cũng từng bị thiệt hại nặng khi chợ Vĩnh Hải cũ bị cháy. Vì vậy, tôi cũng muốn mua bảo hiểm hàng hóa để đề phòng trường hợp rủi ro nhưng không biết mua thế nào, điều kiện ra sao. Tôi nghĩ ban quản lý chợ nên phổ biến, giúp tiểu thương về vấn đề này”, bà Nga nói.

 

Lô sạp quần áo của bà Sử Duy Nga có giá trị lớn nhưng vẫn chưa mua bảo hiểm hàng hóa.
Lô sạp quần áo của bà Sử Duy Nga có giá trị lớn nhưng vẫn chưa mua bảo hiểm hàng hóa.
 
Nhiều tiểu thương ở các chợ cũng muốn mua bảo hiểm hàng hóa, đặc biệt là tiểu thương ngành hàng đồ gia dụng, bánh kẹo, giày dép, hải sản khô… Bởi đây là những ngành hàng có số lượng hàng hóa lưu kho tại chợ khá lớn, dễ gặp rủi ro. Đặc biệt, vụ cháy lô sạp của một tiểu thương ở chợ Bầu (TP. Nha Trang) xảy ra cuối năm 2017 càng làm cho nhiều tiểu thương lo lắng và mong muốn được mua bảo hiểm hàng hóa. Lô hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng, không có bảo hiểm nên sau vụ cháy, tiểu thương đã hoàn toàn tay trắng.  
 
Còn nhiều khó khăn     
 
Theo ban quản lý các chợ, thời gian qua, hầu như chưa có hộ tiểu thương nào mua bảo hiểm hàng hóa. Ông Lê Văn Ân - Phó Ban quản lý chợ Phước Thái cho biết, trước đây đã từng họp và triển khai vấn đề mua bảo hiểm hàng hóa cho các trưởng giới ngành hàng. Tuy nhiên, họ đều nói không thực hiện được. Nguyên nhân là do khi tham gia bảo hiểm, tiểu thương phải cung cấp sổ sách kế toán theo dõi từng danh mục mặt hàng cùng lượng hàng hóa xuất, nhập rõ ràng từng ngày, từng tháng để khi có tổn thất xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm mới có đủ cơ sở để giám định, xác định mức độ thiệt hại. Tiểu thương cho rằng đây là điều kiện khó đáp ứng được, bởi phần lớn đã quen với việc mua bán trao tay, nhiều loại hàng hóa nhập không có hóa đơn. 
 
Đại diện Công ty Bảo Minh Khánh Hòa cho biết, hiện nay không có công ty bảo hiểm nào bán bảo hiểm hàng hóa cho tiểu thương ở chợ, bởi lĩnh vực này rất khó khăn. Cũng có một số tiểu thương đề nghị mua nhưng đơn vị bảo hiểm không nhận. Yếu tố kinh doanh ở chợ tiềm ẩn nhiều rủi ro như: chập điện, cháy nổ, trộm cắp; trong khi chỉ một số người mua, phần lớn không mua nên rất khó triển khai. Ngoài ra, tiểu thương thường không chứng minh được đầu vào và đầu ra hàng hóa; bảo hiểm bồi thường dựa trên hóa đơn nhưng tiểu thương mua bán lại ít khi có hóa đơn nên rất phức tạp.  
 
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, về bảo hiểm phòng, chống cháy, nổ, tại Nghị định 130 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc và Nghị định 46 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 130, quy định cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm bắt buộc thì chợ kiên cố và bán kiên cố thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Tuy nhiên, ban quản lý chợ chỉ mua bảo hiểm cho nhà lồng chợ và tài sản của chợ, còn lại tài sản của các thương nhân trong chợ không quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm. Trên thực tế, đa số các hộ kinh doanh muốn mua bảo hiểm lại gặp khó khăn trong thủ tục xác định giá trị tài sản thiệt hại khi cháy nổ, phải có hóa đơn chứng từ mua, bán hàng. Thương nhân là hộ kinh doanh thực hiện theo hình thức thuế khoán, khi mua, bán hàng hóa thường không lấy hóa đơn, hoặc thất lạc… nên không thể xác định giá trị tài sản thiệt hại thực tế theo yêu cầu của đơn vị bán bảo hiểm. Do đó, sở đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Công an nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc có thông tư hướng dẫn cụ thể, bổ sung quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với các cơ sở của thương nhân kinh doanh trong chợ và quy định riêng về thủ tục chi trả bảo hiểm cho các hộ kinh doanh trong chợ thực hiện theo hình thức thuế khoán. 
 
MAI HOÀNG