03:04, 01/04/2003

Đặc sắc đàn đá Khánh Sơn

    Khánh Sơn là một địa danh cổ, có ngữ âm Hán - Việt, do người Việt đặt cho một vùng đất có núi non hiểm trở, cây rừng rậm rạp, mà ngày nay đã trở thành một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Khánh Sơn - địa danh ấy - nếu ngẫm suy từ ngữ nghĩa của nó, có thể liên tưởng đến một vùng núi có loại nham thạch đặc biệt làm ra được khánh đá. Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục biên soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII đề cập đến loại đá kêu đó trong vùng núi phía Tây phủ Diên Khánh - Khánh Hòa.

    Khánh Sơn là một địa danh cổ, có ngữ âm Hán - Việt, do người Việt đặt cho một vùng đất có núi non hiểm trở, cây rừng rậm rạp, mà ngày nay đã trở thành một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa. Khánh Sơn - địa danh ấy - nếu ngẫm suy từ ngữ nghĩa của nó, có thể liên tưởng đến một vùng núi có loại nham thạch đặc biệt làm ra được khánh đá. Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục biên soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII đề cập đến loại đá kêu đó trong vùng núi phía Tây phủ Diên Khánh - Khánh Hòa.

    Khánh Sơn còn là địa bàn tụ cư lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai thuộc hệ ngữ hệ Malai - Đa đảo. Cuộc sống trước đây của người Raglai chủ yếu dựa vào hoạt động nông nghiệp phát nương, làm rẫy. Đặc biệt trong việc làm rẫy, họ đã có sáng tạo độc đáo là tìm những phiến, những thanh đá kêu nằm rải rác trên sườn núi, dưới lòng suối, rồi kết hợp với vật liệu tre nứa, dây mây, dựng nên các giàn đá kêu (patâu tulẽng) để đuổi muông thú, bảo vệ nương rẫy, mùa màng.

    Việc dựng các giàn đá kêu giữ rẫy đã từng phổ biến một thời. Cho đến cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX vẫn có nhiều gia đình người Raglai còn lưu giữ những thanh đá kêu giữ rẫy như là đồ gia bảo. Như gia đình cụ Catar A-choh đã lưu giữ đá kêu giữ rẫy trải qua 5 đời, ước khoảng 250 năm; cũng có những gia đình đã cất giữ qua 2 hoặc 3 đời, ước khoảng 100 - 150 năm.

    Khoảng thời gian lưu truyền gần 3 thế kỷ đó, có thể là giai đoạn kinh tế nương rẫy phát triển và cũng là lúc giàn đá kêu giữ rẫy thịnh hành trong cộng đồng người Raglai. Chắc rằng vào thời gian đó, việc tìm kiếm đá kêu giữ rẫy trở thành nhu cầu thiết yếu đối với cuộc sống, thậm chí mỗi khi tìm được đá kêu, người Raglai đều nghĩ là do "Giàng" (ông Trời) ban cho. Họ tôn vinh đá kêu giữ rẫy như là "Mã la ông bà", như là một loại nhạc cụ linh thiêng.

    Những đá kêu linh thiêng ấy, nhờ phân tích thạch học mà biết được chúng đều thuộc cùng một loại nham thạch có tên khoa học là lưu vân nham (rhyolite) gồm hai dạng có cấu trúc khoáng vật hơi khác nhau. Trong đó, dạng đá kêu Khánh Sơn của gia đình cụ Bo Bo Ren cất giữ có tên khoa học cụ thể là Rhyolit Porphyre; dạng đá kêu Bác Ái của gia đình cụ Catar A-choh lưu giữ có tên là Rhyodacite. Cả hai dạng đá kêu đều có nguồn gốc là nham thạch phun trào, nằm trong hệ tầng trầm tích Criêta - thuộc tầng Đơn Dương, có phạm vi phân bố tập trung trong vùng núi Khánh Sơn - Bác Ái và các vùng phụ cận như Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt (Lâm Đồng)… Chúng có màu xám đen, độ cứng khá cao, thường bị tách thành dạng phiến, dạng thanh dài do tác động của kiến tạo, của nước và của thời tiết, đặc biệt khi gõ thường phát ra âm thanh vang xa và trong.

    Mỗi thanh đá kêu đó hầu như đều hội đủ thuộc tính của nhạc âm, đạt chuẩn mực của một phonolithe, của một khánh đá. Đặc biệt, khi đo tần số âm thanh 27 thanh đá kêu của hai gia đình cụ Bo Bo Ren và Catar A-choh, người ta đã ghi nhận chúng có tần số âm thanh khác nhau, tức có nghĩa có cao độ âm thanh không giống nhau. Điều đó hẳn chỉ rõ người Raglai khi dựng giàn đá kêu đã tính toán chọn các đá kêu có âm thanh cao thấp nhằm làm cho tiếng vang của giàn đá kêu không đơn điệu mà luôn thay đổi, khiến cho muông thú thêm phần sợ hãi, song ngược lại làm cho con người thấy vui tai, thích thú.

    Tuy nhiên, những âm thanh cao thấp của các đá kêu trong giàn và giữa các giàn hầu như lại chưa thể hiện rõ ràng và cũng chưa thấy một thang âm chung cho các giàn đá kêu. Có lẽ vì vậy mà các nhà nghiên cứu âm nhạc học sau nhiều lần so sánh, đối chiếu, phân tích đã chỉ có thể đưa ra dưới dạng giả thiết "có thể nghĩ rằng thang âm của các thanh đá (Khánh Sơn) theo tầm cữ dân ca, mà dân ca thời ấy có lẽ chỉ đóng khung trong một âm vực ngắn" (1).

    Như vậy, nếu xét từ góc độ khoa học chặt chẽ thì những giàn đá kêu giữ rẫy của người Raglai đã có nhạc tính cao, được chủ nhân của nó gọi là "Mã la ông bà", được tôn vinh là "nhạc cụ liêng thiêng" và được M. Giromcourt xếp vào loại hình "giàn nhạc nước" (orchestre hydraulique), song trên thực tế nó chưa hội đủ các chuẩn mực cần có của bộ nhạc cụ đàn đá (lithophone). Bản thân người Raglai trong bộ nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của mình được các nhà dân tộc học liệt kê thì chỉ có mã la (sar), chiêng núm (chieq, laohi), kèn bầu (saraken), kèn môi, sáo cò (tale), kèn "tale kung", đàn ống tre (chaping hay koqtlơ). Thuật ngữ đàn đá (kapot patâu) gần đây được thấy thông dụng trong đồng bào Raglai, thực ra "chỉ mới xuất hiện từ sau khi có các cuộc sưu tầm đàn đá được tổ chức một cách rầm rộ ở Khánh Sơn và Bác Ái" (2).

    Người Raglai chưa hề có và cũng chưa sử dụng đàn đá như một loại nhạc cụ, thậm chí họ cũng chưa hề có sự gia công đục đẽo để sửa hình, chỉnh tiếng nhạc trên các thanh đá kêu giữ rẫy. Song có nhiều đá kêu ấy của họ, nhất là những thanh đá kêu của gia đình cụ Bo Bo Ren, Catar A-choh lại có những đặc điểm cơ bản của những thanh đàn đá (lithophone) Ndut Lieng Krak (Đắc Lắc), Bình Đa (Đồng Nai), Lộc Hòa (Bình Phước), Đinh Lạc (Lâm Đồng)… Điểm tương đồng rõ rệt nhất là chúng đều có dạng hình phiến trụ dài, cũng được chế tác bằng kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp. Đặc trưng các dấu vết ghè, vị trí ghè đẽo cũng giống nhau. Có thể nói, chúng cùng có chung một truyền thống kỹ thuật chế tác. Sự khác nhau cơ bản nhất là những thanh đá Khánh Sơn được làm từ đá rhyolite - porphyre có độ cứng cao, nhạc âm cao, âm hưởng vang xa, còn các đàn đá khác đều được làm từ nham thạch schiste métamorphique (đá phiến biến chất), chất đá mềm hơn, nhạc âm trầm hơn… Sự khác biệt đó hẳn có liên quan đến địa bàn phân bố hai loại nham thạch nói trên. Nham thạch rhyolite porphyre chủ yếu phân bố ở vùng núi phía Tây Khánh Hòa, Ninh Thuận, phía Đông Lâm Đồng. Nham thạch schiste métamorphique lại tập trung chủ yếu trong vùng trung lưu sông Đồng Nai gồm địa phận Bình Phước, Bình Dương, Tây Lâm Đồng, Bắc Đồng Nai.

    Cũng từ những khác biệt rõ rệt đó, khảo cổ học đã phân biệt hai loại hình đàn đá: loại hình Ndut Lieng Krak và loại hình Khánh Sơn (3). Loại hình trước được biết niên đại chung vào khoảng 3.000 - 2.500 năm cách ngày nay. Loại hình sau, mà tiêu biểu nhất là đàn đá Khánh Sơn ở Dốc Gạo, đến nay chưa có niên đại đáng tin cậy. Song điều chắc chắn là nó phải sớm hơn thế kỷ XVII - XVIII là niên đại sớm nhất của các giàn đá kêu giữ rẫy. Bởi đàn đá Khánh Sơn ở Dốc Gạo không chỉ được chế tác ngay tại đỉnh núi cùng tên, thậm chí có thể đã được sử dụng trước khi người Raglai là cụ Bo Bo Sung và con là cụ Bo Bo Ren đào lấy đem về làm giàn đá kêu giữ rẫy vào năm 1942.

    Về giá trị văn hóa lịch sử, đàn đá Khánh Sơn đã được khẳng định từ tháng 10-1979 là lúc đàn đá Khánh Sơn - Dốc Gạo được phát hiện, được nghiên cứu và được thử nghiệm. Có điều cần được xác định rõ ràng hơn tính lịch sử của đàn đá Khánh Sơn - Dốc Gạo. Tính lịch sử ấy thể hiện ở sự biến đổi về tính chất và chức năng của nó. Ban đầu nó là một đàn đá mà chủ nhân của nó chắc chắn đã từng sinh sống tại vùng núi Khánh Sơn, đã lấy đỉnh núi Dốc Gạo làm nơi chế tác đàn đá. Về sau, nó được đem dùng làm giàn đá kêu giữ rẫy của gia đình cụ Bo Bo Sung - Bo Bo Ren, dân tộc Raglai. Sự biến đổi về chức năng cộng thêm những tổn thất, mất mát về sau đã làm cho nguyên bản đàn đá Khánh Sơn - Dốc Gạo không dễ lần tìm đầy đủ manh mối. Có lẽ vì vậy mà sau 60 năm, kể từ lúc cụ Bo Bo Sung đào được đàn đá Khánh Sơn - Dốc Gạo, đến nay nhiều vấn đề khoa học - văn hóa về nó vẫn cần được tiếp tục tìm tòi nghiên cứu. Có như vậy, chúng ta mới phát huy đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn giá trị văn hóa - lịch sử của một loại hình văn hóa đặc sắc của Khánh Hòa, của những con người đã khai mở vùng núi rừng Khánh Sơn có truyền thống lâu đời, có lịch sử oai hùng.

LÊ XUÂN DIỆM

(1) Lưu Hữu Phước, Báo cáo tổng hợp về đàn đá Khánh Sơn - Phú Khánh 10-9-1979, trang 18.
(2) Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam Hà Nội - Nxb KHXH 1998, trang 285.
(3) Lê Xuân Diệm, "Kỹ thuật và nghệ thuật đàn đá" Tạp chí Khảo cổ học 1985, trang 11 - 23.