10:03, 04/03/2015

Cần giám sát chặt việc quảng cáo sữa

Từ ngày 1-3, Nghị định 100 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo chính thức có hiệu lực. Đây là hành lang pháp lý nhằm hạn chế việc quảng cáo, tiếp thị làm ảnh hưởng đến quyền được bú sữa mẹ của trẻ.

Từ ngày 1-3, Nghị định 100 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo chính thức có hiệu lực. Đây là hành lang pháp lý nhằm hạn chế việc quảng cáo, tiếp thị làm ảnh hưởng đến quyền được bú sữa mẹ của trẻ.

 

Quy định mới cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ.
Quy định mới cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ.


Quảng cáo gây hiểu lầm về sữa mẹ


Lâu nay, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phát sóng, đăng tải các quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ. Dù giá các sản phẩm này ở mức cao song nhiều gia đình vẫn mua cho con uống. Bà H.H (phường Lộc Thọ, Nha Trang) cho biết: “Con gái tôi được 7 tháng tuổi. Ngoài bú mẹ và ăn dặm, hàng ngày tôi bổ sung cho con vài bữa sữa ngoài. Tôi nghe nói uống thêm sữa ngoài mới đủ chất cho con phát triển”.


Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Nhất Phương Hồng, chuyên gia sữa mẹ của Viện Sữa mẹ Quốc tế cho biết, thực tế, chỉ có 2% bà mẹ có những vấn đề về bệnh lý cần phải được hỗ trợ, hoặc trẻ sơ sinh không có cơ hội được nhận sữa mẹ mới cần quan tâm đến việc bổ sung hoặc thay thế sữa mẹ bằng sữa bột. Còn lại 98% bà mẹ đều hoàn toàn đủ khả năng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn (6 tháng sữa mẹ hoàn toàn và sữa mẹ song song ăn dặm tối thiểu đến 24 tháng, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, chỉ có sữa mẹ mới có các kháng thể giúp bảo vệ trẻ lâu dài. Các sản phẩm dinh dưỡng, sữa công thức chỉ là mô phỏng theo thành phần có trong sữa mẹ. Thế nhưng lâu nay, khuyến nghị của WHO rất khó thực hiện, vì quảng cáo của hãng sữa làm người mẹ lầm tưởng, không tin vào giá trị sữa mẹ. Nhiều người tin rằng, sữa công thức đắt đồng nghĩa với chất lượng tốt, trong khi thực tế là do sữa gánh chi phí quảng cáo, tiếp thị quá lớn. “Bên cạnh đó, ở nhiều bệnh viện tại Việt Nam có một bộ phận nhân viên y tế yêu cầu người nhà mua sữa công thức từ khi sản phụ nhập viện chuẩn bị sinh, hoặc ngay sau khi sinh xong. Một số nơi còn tặng sữa em bé cho sản phụ xuất viện. Chỉ cần một vài giấc bé khó ngủ, bé bú khóc, bà mẹ bị ám ảnh sữa mình không đủ và thử ngay một bình sữa công thức, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy tiếp theo đối với khớp ngậm cũng như việc sản xuất sữa của cơ thể mẹ” - bà Hồng nói.


Cần giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm


Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi Nghị định có hiệu lực, sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ đã không còn quảng cáo nhan nhản trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Tại các siêu thị, cửa hàng, sản phẩm dinh dưỡng và bình sữa, vú ngậm đều có ghi các nội dung bắt buộc liên quan đến sữa mẹ. Song tại một số cửa hàng, vẫn áp dụng hình thức khuyến mại tặng sữa, tặng khăn tắm, đồ chơi trẻ em... cho khách hàng khi mua sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Ngày 3-3, khi đến một số đại lý tại Nha Trang, chúng tôi được các nhân viên cho hay, họ không biết gì về Nghị định mới này. Việc khuyến mại là chương trình do nhà phân phối áp dụng theo từng đợt, chỉ khách hàng mua số lượng nhiều mới được khuyến mại.


Bà Lê Nhất Phương Hồng cho rằng, khó khăn khi triển khai Nghị định là đối tượng thực hiện khá rộng, từ đơn vị sản xuất kinh doanh, phân phối, tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc cho đến từng nhân viên y tế. Do đó, cần thời gian để giám sát, có biện pháp theo dõi, đánh giá, xử phạt nghiêm khắc, kịp thời thì mới có thể đạt được sự đồng bộ. Bản thân các ông bố, bà mẹ cũng cần chủ động, mạnh dạn phát hiện và phản hồi các tiêu cực ở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ y tế đến cơ quan chức năng.


ANH THÁI