12:01, 22/01/2023

Đọc bài báo cuối cùng của Bác - nghĩ về công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, trên Báo Nhân Dân số 5409 ra ngày 3-2-1969, với bút danh TL, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho công bố bài báo quan trọng "Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân".

Đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, trên Báo Nhân Dân số 5409 ra ngày 3-2-1969, với bút danh TL, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho công bố bài báo quan trọng “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.


Tư tưởng lớn về công tác xây dựng Đảng


Trên con đường đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ cuối năm 1917 khi Người từ Anh trở lại Pháp và sau đó tham gia Đảng xã hội Pháp. Bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là một bài luận chiến sắc sảo với tiêu đề “Tâm địa thực dân”. Bài báo đã phê phán những luận điểm xuyên tạc của một nhà báo Pháp ở Đông Dương. Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng ở các nước thuộc địa khác đã lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan tuyên truyền của hội. Năm 1925, Người cho xuất bản tờ Thanh Niên, cơ quan tuyên truyền của tổ chức Thanh Niên Cách Mạng đồng chí Hội - Đây chính là cột mốc đánh dấu sự ra đời của báo chí Cách mạng Việt Nam.  

 


Trở lại với bài báo “Nâng cao đạo đức Cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra đời cách đây đã 54 năm, nhưng chúng ta vẫn thấy nguyên tính thời sự và tầm tư tưởng của Người trong công việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Giá trị và ý nghĩa ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn 698 từ (kể cả tiêu đề) thể hiện sự đúc kết những tư tưởng lớn, những suy tư trăn trở của Người về hai vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng và quét sạch chủ nghĩa cá nhân - hai vấn đề liên quan trực tiếp đến vận mệnh của Đảng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và quyết định đến sự thành, bại của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.


Chính Người, từ rất sớm đã chỉ ra chủ nghĩa cá nhân - kẻ địch “nội xâm” của những người cộng sản - cần phải luôn được phòng và chống triệt để, nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” để đội ngũ đảng viên trở thành những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống hàng ngày.


Những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân


Đọc lại bài báo của Bác, đối chiếu với Nghị quyết của Đảng và thực tế những năm qua thực hiện công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, có thể nêu lên những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân ở nước ta. Một là: “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, lãng phí”. Hiện nay chủ nghĩa cá nhân thường gắn với tư tưởng cơ hội; thực dụng, thói nhỏ nhen và tầm nhìn hạn hẹp. Không ít người cố tình lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống pháp luật và những sơ hở trong công tác quản lý, điều hành của bộ máy công quyền để làm những việc sai pháp luật, trái đạo lý, lương tâm. Vụ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là điển hình của những sai phạm này.

Hai là: “Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”. Khi đương thời, Bác nhiều lần chỉ rõ: Đảng ta không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để làm quan phát tài. Chủ nghĩa cá nhân nuôi dưỡng tham vọng chức quyền, họ “chạy chức”, “chạy quyền”; “chạy chỗ”; “chạy lợi”; “chạy tội”. Họ coi trọng lợi ích vật chất tiền của, coi nhẹ nhân cách và giá trị văn hóa, tinh thần, sống thực dụng.


Ba là: “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. “Do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. Nhiều sai lầm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo trước đây, hiện nay có thể chỉ ra là: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng...


Tầm tư tưởng và nguyên tính thời sự


Tóm lại, biểu hiện tập trung của chủ nghĩa cá nhân là sống vị kỷ, tham lam, ích kỷ. Chính chủ nghĩa cá nhân đã sinh ra bộ phận quan liêu, tham nhũng và lãng phí hiện nay, là nguyên nhân cản trở việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Nó càng xa lạ, trái ngược với các nguyên lý, mục tiêu lý tưởng cao đẹp và truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện thấm nhuần và nâng cao đạo đức cách mạng. Nếu làm được điều đó chúng ta sẽ giữ được bản chất của Đảng - bản chất tiên phong của giai cấp công nhân, Đảng của nhân dân Việt Nam anh hùng. Tầm tư tưởng, chất cách mạng, sức chiến đấu và giá trị thực tiễn của bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là như vậy.


Vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cách đây đã 54 năm, soi chiếu với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng và tình hình đất nước hiện nay vẫn nóng hổi tính thời sự.

 

Bản thảo bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Bản thảo bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.


Trong bài phát biểu tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hóa tinh thần trong Đảng; tạo dấu ấn rõ rệt về xây dựng văn hóa Đảng, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.


Trong quá trình thực hiện công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, chiến lược, “chống” là quan trọng, cấp bách. Đề cao tinh thần “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân không trong sáng nào. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao tính cảnh tỉnh, răn đe đối với những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực; đồng thời khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, thật sự vững mạnh.


Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vào mỗi mùa xuân về, cũng là trùng với ngày thành lập Đảng, chúng ta lại nhớ lời căn dặn thiêng liêng và thường xuyên của Bác - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta - đối với tất cả cán bộ, đảng viên chúng ta mỗi khi nghĩ về Đảng và đất nước.


Lương Kiên Định