09:02, 12/02/2021

Nhà văn Văn Biển kể chuyện Hồ Giáo nuôi trâu

Có thể nói "Cô bê 20" là cuốn sách gối đầu giường của thiếu nhi miền Bắc cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Tác giả cuốn sách là nhà văn Văn Biển. Thông qua "Cô bê 20", nhà văn muốn nói về tấm gương lao động quên mình của Hồ Giáo - người 2 lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cho mỗi việc nuôi trâu và bò.

Có thể nói “Cô bê 20” là cuốn sách gối đầu giường của thiếu nhi miền Bắc cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Tác giả cuốn sách là nhà văn Văn Biển. Thông qua “Cô bê 20”, nhà văn muốn nói về tấm gương lao động quên mình của Hồ Giáo - người 2 lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cho mỗi việc nuôi trâu và bò.


Có một sự ngộ nhận của không ít người rằng tiểu thuyết Cỏ non của Hồ Phương là viết về Nông trường Ba Vì, nhân vật Nhẫn trong cuốn tiểu thuyết nói trên là Hồ Giáo. Với Hồ Giáo, ông không biết những ai đã viết về mình, về công việc của ông ở Ba Vì, mà chỉ biết hồi đó (năm 1967), có một người đồng hương tên là Phạm Văn Biển quê Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã về sống cùng ông suốt 3 tháng liền. Kết quả của đợt thâm nhập thực tế ấy là cuốn sách “Cô bê 20” ra đời sau đó ít lâu. Cuốn sách từng làm mê đắm bao lớp thiếu niên cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước.

 

Hồ Giáo với đàn bê con Mura ở Trại trâu Nghĩa Hành.

Hồ Giáo với đàn bê con Mura ở Trại trâu Nghĩa Hành.


Nhà văn Văn Biển sinh năm 1930 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông gọi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng chú ruột. Từng theo học và tốt nghiệp ngành mỏ - địa chất nhưng Văn Biển lại mê văn chương. Trong Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có gặp một người đồng hương tên Hồ Giáo - người được phong anh hùng đợt đó. Bản báo cáo thành tích của Hồ Giáo đọc tại đại hội rất ngắn gọn nhưng chinh phục hoàn toàn một người kỹ tính như ông Phạm Văn Đồng. Muốn tạo điều kiện cho cháu mình viết văn, ông Phạm Văn Đồng giới thiệu Văn Biển lên Ba Vì gặp Hồ Giáo.


“Tôi với anh Hồ Giáo đồng niên - cùng sinh năm 1930, lẽ ra sẽ rất rôm rả chuyện trò, song Hồ Giáo rất kiệm lời. Thế nhưng, anh đã hút lấy tôi qua công việc hàng ngày của mình. Ở Đội 8 Nông trường Ba Vì bấy giờ có con bê con, vừa lọt lòng mẹ đã dặt dẹo, ai cũng nghĩ nó sẽ chết sớm. Thế nhưng, bằng tình yêu của một người mẹ quyết bảo vệ con đến cùng, Hồ Giáo không những đưa con bê ấy trở về từ cõi chết mà còn giúp nó hòa nhập với đàn bò sữa Ba Vì, trở thành một trong những con bò cho sữa hàng ngày tốt nhất ở đây”, nhà văn Văn Biển hồi tưởng.


“Nếu chỉ viết về việc nuôi bò theo một quy trình hàng ngày: Cắt cỏ bỏ vào chuồng bò, tắm cho bò và vắt sữa thì chỉ dừng lại ở một bài báo chứ không thể thành một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn bao thế hệ thiếu nhi được?”, tôi thắc mắc. Nhà văn Văn Biển thừa nhận: “Đúng vậy. Nếu chỉ kể về công việc hàng ngày của Hồ Giáo, dẫu có bùa chú chữ nghĩa đến đâu đi nữa thì cũng không thể hấp dẫn bằng việc kể về một con bê con suýt chết. Nhân vật “tôi” kể về thân phận mình chính là con bê được đánh số 20 này. Tự thân con bê nói về lý do vì sao mình vẫn còn sống trên cõi đời này với độc giả. Không những sống mà còn có ích nữa, tức là vẫn cho sữa hàng ngày. Đó chính là nhờ Hồ Giáo. Thông qua nghĩa cử của Hồ Giáo đối với con bê dặt dẹo kia, tôi muốn nói rằng, không một ai vô ích trên đời này cả nếu mỗi cá nhân được đánh thức phần tốt nhất trong họ, biết kích hoạt những khả năng còn chìm khuất đâu đó trong họ. Hồ Giáo anh hùng hai lần chính là ở khả năng đó. Không phải Hồ Giáo kích hoạt bằng những khẩu hiệu suông mà bằng chính tình yêu của mình với từng số phận, dù là số phận của một con bê con suýt chết”, nhà văn Văn Biển nói.


Với Hồ Giáo, ông đã bước vào trang sách của nhà văn đồng hương một cách tự nhiên bằng sự trụi trần của niềm đam mê và trách nhiệm với công việc của mình. Năm 2009, tôi đưa Hồ Giáo trở lại Ba Vì sau 34 năm ông rời chốn ấy. Năm đó, Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải cho bút ký dự thi “Bài ca Mura” của tôi. Bút ký viết về Hồ Giáo nuôi trâu Mura ở Trại trâu Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) sau khi ông về hưu năm 1990. Lần ấy, Báo Văn Nghệ trao giải cho tác giả lẫn nhân vật của mình nên Hồ Giáo có cơ hội trở lại Ba Vì.


Đầu năm 1990, Thủ tướng Ấn Độ đã tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng 17 con trâu Mura với mong muốn Việt Nam sẽ nhân rộng đàn trâu có trọng lượng cả tấn mỗi con này lên. Hồ Giáo, một lần nữa được chọn để làm công việc rất nặng tình nặng nghĩa ấy sau khi ông rời Nông trường Sông Bé để về nghỉ hưu tại quê nhà (năm 1990).


Rất nhiều cảm xúc, nửa háo hức nửa bồi hồi khi Hồ Giáo trở lại Ba Vì, nơi có “Cô bê 20” năm nào vẫn luôn thức ngủ trong ông. Đón ông là các “thiếu nữ Đội 8” nay đã thành những lão bà qua tuổi thất thập. Đang đi dạo trên những con đường làng quen thuộc thuở nào, Hồ Giáo ghé vào thăm một gia đình nuôi bò sữa ở đây. Thoáng thấy con bò đi cà nhắc trong chuồng, ông Giáo hỏi gia chủ là một kỹ sư chăn nuôi: “Con bò bị bệnh lở móng rồi phải không anh?”. Anh kỹ sư ngạc nhiên rồi thú nhận, con bò bị một tuần rồi, tiêm thuốc khá nhiều mà không khỏi. Ông Hồ Giáo khuyên: “Nó chỉ có thể khỏi bệnh nếu anh cho nó đi ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với đất chứ ngày nào cũng đi trên nền xi măng như thế không khỏi được đâu!”. Anh kỹ sư hôm đó còn phàn nàn với ông Giáo rằng, con bò của anh cho sữa rất trồi sụt. Bữa nào tới phiên con gái anh (12 tuổi) chăm thì sữa tăng 2 - 3 lít, bữa nào vợ anh chăm thì sữa giảm 2 - 3 lít. Hồ Giáo phân tích: “Bữa nào con gái anh chăm, nó cho bò ăn cỏ theo kiểu “nhỏ giọt” vì còn lo đánh đáo với bạn nên con bò luôn trong trạng thái thèm cỏ. Tiêu hóa số cỏ rất nhanh, đó là lý do sữa tiết ra nhiều. Còn vợ anh bỏ một lúc cả bó cỏ lớn vào máng, con bò có cảm giác ớn cỏ. Sữa giảm là lý do này”. Anh kỹ sư một lần nữa mắt tròn mắt dẹt trước cách lý giải của ông cụ sắp 80.


Nghe ông Hồ Giáo luận về cách chữa bệnh cho bò và nuôi làm sao để cho nhiều sữa, tôi như gặp con bê 20 của ông thuở nào.


Người anh hùng nuôi trâu ấy luôn mang đến cho tôi những bất ngờ như chính cuộc đời thanh sạch của ông.


TRẦN ĐĂNG