12:01, 29/01/2021

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã gửi đến đại hội tham luận về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, bên cạnh nêu các thành tựu đạt được, tham luận cũng xác định một cách cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.

 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã gửi đến đại hội tham luận về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Trong đó, bên cạnh nêu các thành tựu đạt được, tham luận cũng xác định một cách cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.


Thành tựu kinh tế biển


Tham luận của Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa nêu rõ: Kết quả phát triển KT-XH của tỉnh thời gian qua, nhất là giai đoạn 2016 - 2020 đã có sự đóng góp rất lớn của các ngành kinh tế biển. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, nếu không tính năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,7%. Quy mô GRDP của Khánh Hòa đứng thứ 23 cả nước, đứng thứ 6/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Quy mô ngành dịch vụ cũng đứng thứ 12 cả nước và đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Hiện nay, tỉnh tiếp tục là 1 trong 16 tỉnh, thành phố cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt 73,31 triệu đồng.

 

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.


Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của tỉnh chiếm 80% GRDP trên địa bàn. Trong đó, ngành Du lịch tăng doanh thu bình quân 5%/năm (giai đoạn 2016 - 2019 tăng 26,1%); tổng số khách du lịch đến Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 đạt 26,39 triệu lượt (trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 23,19 triệu lượt, chiếm 87,8%), khách quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,07 triệu lượt, tăng bình quân 9,9%/năm (trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 9,5 triệu lượt, chiếm 86,2%); cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục phát triển theo xu hướng đầu tư chiều sâu và quy mô lớn.


Giai đoạn 2016 - 2020, Khánh Hòa là 1 trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh trong cả nước. Ngành Thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông - lâm - thủy sản. Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng thủy sản đạt 11,17%; kim ngạch xuất khẩu đạt 614,5 triệu USD, chiếm từ 35 - 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh.


Ngoài ra, ngành dịch vụ vận tải, công nghiệp đóng tàu đang có bước phát triển mạnh, nhất là vận tải hàng không và vận tải biển. Hiện nay, sân bay quốc tế Cam Ranh thu hút được một lượng khách du lịch quốc tế từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga và châu Âu không chỉ cho Khánh Hòa mà cho cả Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, tạo mối liên kết hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch. Năm 2019, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh tiếp nhận trên 10 triệu lượt khách. Về vận tải biển, cảng Cam Ranh được đầu tư và nâng cấp để đón tàu có trọng tải lớn, góp phần bổ sung năng lực vận tải biển cho cả nước. Năm 2018, cảng đạt năng suất xếp dỡ là 2,5 triệu tấn, năm 2019 là 2,97 triệu tấn.


Gắn với bảo vệ chủ quyền


Với mục tiêu thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa giữ vững quốc phòng, an ninh và phát triển KT-XH, hàng năm, tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân tổ chức nhiều chuyến tàu ra thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Trường Sa; tổ chức cầu truyền hình giữa đất liền với Trường Sa, kết nối tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Trường Sa với cán bộ, nhân dân và du khách trên địa bàn tỉnh. Các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về Trường Sa thông qua các chương trình: “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng và bảo vệ Trường Sa”, “Ngày hội thanh niên hành động vì Trường Sa”, Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” và “Vì Trường Sa thân yêu ”...

 

Một góc đảo Sơn Ca.

Một góc đảo Sơn Ca.


Trong phát triển kinh tế, tỉnh luôn chú trọng phát triển ngành Yến sào, nhất là nghề nuôi yến đảo gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng; thực hiện tốt các chương trình động viên, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển (Khánh Hòa hiện có đội tàu khai thác xa bờ với hơn 1.300 chiếc, thường xuyên tham gia đánh bắt ở các vùng biển xa như: Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1) bằng việc hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân hiện đại hóa tàu cá để nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo quản và đảm bảo an toàn khi khai thác trên các vùng biển xa...


Nhiều nhiệm vụ đặt ra


Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển KT-XH, giống như nhiều địa phương có biển khác, Khánh Hòa vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Chính vì vậy, mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là phấn đấu đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Khánh Hòa xác định được các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biển của tỉnh, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, đồng bộ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển với quốc phòng, an ninh. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến 2040; phát triển hệ thống các đô thị trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch; củng cố, xây dựng các xã, phường trọng điểm về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh; chú trọng xây dựng và phát triển các làng nghề ven biển; xây dựng hải đội dân quân hoạt động trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; xây dựng Hải đội dân quân thường trực. Song song đó, sẽ đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu khoa học - công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển.

 

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa năm 2016, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Khánh Hòa cần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, muốn phát triển du lịch thì phải ổn định. Cùng với quan tâm chăm lo phát triển kinh tế biển, cần kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có huyện đảo Trường Sa.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, huy động và phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển. Thời gian tới, sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ban, ngành liên quan trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút đầu tư tại khu vực bán đảo Cam Ranh và trình Chính phủ Đề án về cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong để trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực. Đây là một trong những đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 để tạo động lực phát triển mới cho tỉnh. Đối với Khu Kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang, vịnh Cam Ranh tỉnh cũng đã có các nghị quyết để phát triển trong tương lai.


Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển, phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh và bảo vệ chủ quyền biển đảo, Khánh Hòa xác định phát triển theo thứ tự ưu tiên: Dịch vụ du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới; dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, vận tải biển - hàng không và cuối cùng là kinh tế đảo. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, công nghiệp đóng tàu, khai thác đánh bắt hải sản, du lịch biển, đảo. Duy trì và đẩy mạnh ngành Yến sào, trong đó chú trọng phát triển các đảo yến gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.


Riêng với huyện Trường Sa, để phát triển KT-XH và quốc phòng - an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, địa phương và Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân sinh sống trên các đảo. Các âu tàu, làng chài ở khu vực quần đảo Trường Sa sẽ được tập trung xây dựng và tổ chức hiệu quả để hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ; hỗ trợ cho tàu, thuyền của các doanh nghiệp và ngư dân khi có tình huống thiên tai, nguy cấp về sức khỏe. Đây được xem như vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển nhằm giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.


Đình Lâm

 


 



Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Biển và hải đảo có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội thì biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn và không gian sinh tồn mới; đồng thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng về an ninh, quốc phòng. Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc để thực hiện mục tiêu “Xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước”.
 

 

___________________________________________



Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm tới các mục tiêu của đại hội, trong đó có mục tiêu là đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao vào những năm giữa thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, đoàn cũng quan tâm đến với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển kinh tế biển. Bởi trong thời gian vừa qua, kinh tế biển cũng đã được quan tâm, tuy nhiên, lợi thế của kinh tế biển vẫn chưa được khai thác một cách toàn diện. Do vậy, mong rằng từ Đại hội XIII, kinh tế biển sẽ xác định đúng với mục tiêu, phát triển KT-XH là nhiệm vụ trung tâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo là trọng yếu.