08:02, 10/02/2008

Khởi động Vân Phong

Dự án Cảng TCQT Vân Phong được xây dựng trên diện tích 41,5 ha tại bờ Đông vũng Đầm Môn (khu Cổ Cò), phía Tây bán đảo Hòn Gốm (xã Vạn Thạnh)...

Trung chuyển dầu trong vịnh Vân Phong - nền móng đầu tiên cho cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai. (Ảnh: HUY THÂN).

Ngày 25-1-2008, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khởi công xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Vân Phong (giai đoạn khởi động gồm 2 bến có khả năng tiếp nhận những con tàu lớn đến 400.000 tấn). Ước mơ từ hàng chục năm nay của các chuyên gia hàng đầu ngành Hàng hải nước ta trở thành hiện thực. Một cảng trung chuyển container quốc tế của Việt Nam sẽ không còn là một dự án nằm trên giấy. Nó sẽ là động lực trong việc phát triển vịnh Vân Phong thành khu kinh tế (KKT) tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng TCQT giữ vai trò chủ đạo, là khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Theo ông Mai Văn Phúc - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: Dự án Cảng TCQT Vân Phong có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế ở Khánh Hòa mà còn mang tầm quốc gia. Cảng này là một dự án nằm trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong xu thế hội nhập, chúng ta cần có một cơ sở hạ tầng cảng biển tốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh trong việc tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Vinalines khởi động dự án vào dịp này vừa chào mừng ngày thành lập Đảng vừa có ý nghĩa là đã khởi động một dự án lớn của quốc gia.

Dự án Cảng TCQT Vân Phong được xây dựng trên diện tích 41,5 ha tại bờ Đông vũng Đầm Môn (khu Cổ Cò), phía Tây bán đảo Hòn Gốm (xã Vạn Thạnh) và phía Tây khu vực phi thuế quan của KKT tổng hợp Đầm Môn - Hòn Gốm (thuộc KKT Vân Phong). Quy mô dự án gồm 2 bến tàu container sức chở 6.000 - 9.000 TEU, đáp ứng lượng hàng thông qua cảng 0,7 triệu TEU/năm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cảng đồng bộ, hiện đại gồm bãi chứa container 9 dãy, 4.362 vị trí; bãi chứa container rỗng có 6 khu với tổng diện tích 10.000m2, kho CFS (hàng lẻ) 4.500m2, xưởng bảo trì và sửa chữa thiết bị 2.700m2, xưởng sửa chữa container 864m2, đường vận hành xe cẩu… với tổng vốn đầu tư gần 185,5 triệu USD.

Cần phải nói rằng, một cảng biển được thị trường chấp nhận phải là một cảng biển mà tổng chi phí vận chuyển trước và sau cùng chi phí tại cảng thấp hơn các cảng lân cận. Trong những chi phí trên, chi phí tạo độ sâu, độ kín gió, độ rộng mặt nước là những chi phí khổng lồ đáng quan tâm nhất. Và Vân Phong, với những lợi thế từ thiên nhiên đã hội đủ những yếu tố cần thiết để phát triển ở đây một cảng biển ngang tầm quốc tế.

Hiện nay, các cảng trong hệ thống cảng biển Việt Nam không có nơi nào đủ điều kiện để tiếp nhận tàu chở container sức chở lớn vận hành trên các tuyến xuyên đại dương. Hàng xuất, nhập khẩu đi đến châu Âu, Bắc Mỹ buộc phải trung chuyển qua Singapore, HongKong hoặc cảng trung chuyển nước ngoài khác. Chính vì thế, chi phí vận chuyển container đi châu Âu và Bắc Mỹ của Việt Nam thường cao hơn các nước trong khu vực, thời gian cũng kéo dài hơn. Việc hình thành được các cảng nước sâu để chuyển thẳng hàng xuất nhập khẩu hoặc một cảng trung chuyển hàng container vận hành trên các tuyến biển xa xuyên đại dương ở Việt Nam sẽ góp phần giảm chi phí trong quá trình vận chuyển, làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Yêu cầu này là cấp thiết bởi mức tăng trưởng hàng container xuất nhập khẩu qua cảng của Việt Nam thời gian gần đây luôn ở khoảng 20%/năm, nhất là sau khi gia nhập WTO.

Cảng TCQT Vân Phong (giai đoạn khởi động) sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2010 không những đáp ứng yêu cầu trung chuyển đối với hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam mà còn từng bước chia sẻ thị phần TCQT đối với hàng container xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực; tạo tiền đề phát triển mở rộng cảng trong các giai đoạn sau và là động lực phát triển đối với KKT Vân Phong. Tiến sĩ Chu Quang Thứ - nguyên quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã ví Vân Phong là vùng “vàng biển” của Tổ quốc. Ông nói: “Than là “vàng đen”, khai thác mãi cũng hết. Dầu khí là “vàng nước”, khai thác lâu cũng không còn. Nhưng Vân Phong trở thành cảng TCQT thì kho “vàng biển” này sẽ không bao giờ cạn mà sẽ đầy mãi theo năm tháng”.

THU AN