Thêm rộng vòng tay, thêm rộng cuộc đời

Thứ Tư, 03/10/2012, 17:18 [GMT+7]

Thêm rộng vòng tay, thêm rộng cuộc đời

“Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Nhật Ân nhận con vào làm việc rồi mẹ ạ! Tháng đầu tiên họ sẽ trả con 50.000 đồng tiền công/ngày, nếu con làm tốt họ sẽ tăng lương. Con đã có thể lao động để nuôi mình rồi phải không mẹ?”, tiếng khoe của đứa con bị liệt nửa người gần 20 năm nay khiến người mẹ không cầm nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.

0203 Anh Châu Đình Lợi cùng người quản lý trong một buổi phỏng vấn người khiếm thính đến xin việc làm.
Anh Châu Đình Lợi cùng người quản lý trong một buổi phỏng vấn người khiếm thính đến xin việc làm.

Câu chuyện xúc động giữa 2 mẹ con mà chúng tôi tình cờ nghe được đã đưa chúng tôi đến với DNTN Nhật Ân - DN chuyên sản xuất khung tranh và nhận khá nhiều người khuyết tật (KT) vào làm việc.

Những cuộc đời đã bước sang trang mới

Anh Châu Đình Lợi đang chỉ dẫn thêm công việc cho công nhân khuyết tật Lê Văn Hoan.
Anh Châu Đình Lợi đang chỉ dẫn thêm công việc cho công nhân khuyết tật Lê Văn Hoan.

Nằm sát con hẻm Nhà Thờ Chợ Mới (thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), bên trong 2 xưởng rộng hơn 1.000m2, gần 200 công nhân của DNTN Nhật Ân đang tích cực làm việc. Xưởng được chia thành nhiều khu nhỏ cho từng bộ phận như: quét hồ dán giấy, đóng khung, dập đường viền, cắt khung, đóng lỗ... Nếu không tinh mắt và không có người hướng dẫn, khó có thể nhận ra đâu là công nhân KT và đâu là công nhân bình thường vì thái độ làm việc của mọi người đều tích cực như nhau. Hôm chúng tôi đến, DN vừa nhận em Trương Văn Quỳnh - một người khiếm thính vào thử việc. Qua trao đổi ngôn ngữ bằng... tay và cả viết, Quỳnh cho biết em rất vui khi được vào đây làm việc. Đây là lần đầu tiên em đi làm, và chỗ làm cũng có nhiều người khiếm thính như em. Được bố trí nằm phía bên trong nhà xưởng, các công nhân làm ở bộ phận ráp khung khá đặc biệt. Bộ phận này có 6 người thì chỉ có 1 người lành lặn, 5 người còn lại đều bị KT, người bị teo chân, liệt tay, người bị liệt và yếu nửa người... Chính vì thế, riêng bộ phận này được bố trí đặc cách: ngồi bệt dưới sàn và mỗi người được lựa chọn tư thế ngồi thoải mái nhất cho mình. Ở bộ phận này, Nguyễn Văn Dũng (27 tuổi, Tháp Bà, Nha Trang) là người bị KT nặng nhất với đôi chân teo, yếu, lưng gù, tay phải bị liệt, chỉ có tay trái lành lặn và làm việc được. Hỏi chuyện, Dũng kể, em là anh cả trong gia đình có 4 người con. Mẹ làm nội trợ, bố chạy xe ôm nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Lúc Dũng được 8 tháng tuổi, em bị trúng gió nên liệt toàn thân và phải nằm một chỗ. Sau nhiều lần chạy chữa, sức khỏe của Dũng khá dần lên. Cách đây 7 năm, Dũng bắt đầu tập đi và giờ đã đi được những bước lững chững. Từ khi biết đi, Dũng luôn khao khát có việc làm, có thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. “Lúc đó, em chỉ dám ước mơ thôi, chứ một người đi không vững như em, ai nhận vào làm việc. Vậy mà DNTN Nhật Ân đã biến ước mơ của em thành hiện thực. Đến giờ, em vẫn nhớ như in cảm giác hạnh phúc khi được nhận tháng lương đầu tiên bằng mồ hôi và sức lao động của mình. Hơn 27 năm, lần đầu tiên trong đời, em thấy mình thật sự trưởng thành, và đủ tự tin khẳng định “mình tàn như không phế” - Dũng xúc động nói.

Tùy theo khuyết tật của từng người, doanh nghiệp bố trí công việc phù hợp.
Tùy theo khuyết tật của từng người, doanh nghiệp bố trí công việc phù hợp.

Cũng như Dũng, Lê Văn Hoan (24 tuổi, Ninh Tây, Ninh Hòa) bị teo tay, teo chân do một cơn bạo bệnh khi chưa tròn 1 tuổi. Em được DNTN Nhật Ân nhận vào làm được 4 năm, “Lúc nghe DN thông báo trên ti vi nhận người KT vào làm việc, em nhờ ba chở vào Nha Trang để phỏng vấn. Lúc đó, em không có một chút hy vọng nào vì em bị KT hơi nặng, 2 bàn chân khoèo, đi đứng khó khăn, 2 bàn tay chỉ cử động được 6 ngón, 4 ngón còn lại thì co quắp. Vậy mà phỏng vấn xong, em được nhận luôn. Em được bố trí vào khâu lau kính và đóng gói sản phẩm. 4 năm làm việc ở đây, tâm lý mặc cảm, tự ti mình là người thừa đã không còn trong em. Cuộc sống của em đã bước sang trang mới hoàn toàn chị ạ. Em hạnh phúc một, mẹ em hạnh phúc gấp mười, vì em nhớ khi cầm tháng lương đầu tiên của em, môi cười nhưng nước mắt cứ lăn dài trên mặt mẹ” - Hoan khoe. Hoan cho biết hiện mức lương của em là 1,9 triệu đồng/tháng, mỗi tháng em trích 500 ngàn đồng để nuôi người em gái đang học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, còn lại em chi trả chi phí ăn ở.

Mong có thêm nhiều vòng tay rộng mở

1
 

Dáng người đậm, khuôn mặt phúc hậu, luôn khiêm tốn khi nói về mình là những đặc điểm đầu tiên chúng tôi nhận thấy ở anh Châu Đình Lợi - chủ DNTN Nhật Ân. Anh cho biết, DN sản xuất khung ảnh của anh thành lập năm 2000; năm 2007 chuyển đến xã Vĩnh Ngọc. Khi đến đây, quanh xưởng có vài người KT không có việc làm. Nhìn ánh mắt khát khao của họ mỗi khi đi ngang xưởng, anh đã nảy sinh ý định nhận họ vào làm. “Lúc đăng tin tuyển người KT vào làm việc, vợ chồng tôi cũng đắn đo vì không biết họ có làm được không. Nhưng đến khi phỏng vấn và bố trí việc làm phù hợp với họ thì mới thấy việc làm của chúng tôi thật ý nghĩa. Thực ra, người KT rất có tài, khi họ nắm bắt được công việc sẽ làm rất tốt, nhiều khi còn hiệu quả hơn người bình thường. Điểm đáng quý nữa là khi làm việc họ luôn dồn hết sức lực và tâm trí vào công việc. Khác với lao động phổ thông bình thường hay “nhảy” việc, người KT rất gắn bó với chỗ làm và đây là nguồn nhân lực rất ổn định” - anh Lợi nhận xét.

0203 Anh Châu Đình Lợi cùng người quản lý trong một buổi phỏng vấn người khiếm thính đến xin việc làm.

Những người khiếm thính được bố trí ngồi cùng với người bình thường để nắm bắt nhanh công việc.

Bên cạnh những ưu điểm trên, việc nhận người KT vào làm cũng có những khó khăn. Do KT nên họ không thể làm việc theo dây chuyền khép kín, vì thế, để bố trí công việc phù hợp, nhất là những người làm ở bộ phận máy móc, vợ chồng anh Lợi phải nghiên cứu, tạo ra những máy riêng phù hợp cho người KT, giúp họ phát huy hết khả năng của mình. Chỉ riêng số tiền tạo ra những máy móc riêng biệt đó cũng đã tiêu tốn của vợ chồng anh hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, để sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người KT, vợ chồng anh phải xé lẻ các công đoạn sản xuất. Bên cạnh đó, nhằm giúp họ hòa nhập nhanh với công việc, anh và người quản lý phải thường xuyên trao đổi với gia đình người KT để tìm hiểu tính cách của từng người nhằm uốn nắn, động viên kịp thời. DN của anh còn hỗ trợ 100% tiền thuê nhà cho những người KT ở xa. Trong công việc, anh thực hiện việc thưởng, phạt rất công minh. “Tôi nhận họ vào làm không phải vì thương hại, nếu họ làm không được việc, tôi vẫn cho họ nghỉ việc. Tôi muốn họ hiểu rằng, đồng lương họ nhận được chính là bằng mồ hôi, công sức của mình. May mắn là từ trước đến giờ, tôi chưa phải đuổi việc một người KT nào” - anh Lợi nói.

1
 

Chia tay DNTN Nhật Ân, chúng tôi mang theo ước mong lớn nhất của những công nhân bị KT như Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Hoan, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Anh Chung, Lương Minh Tâm... là xã hội sẽ có thêm nhiều DN dang tay đón nhận người KT vào làm việc như DNTN Nhật Ân.

NGHĨA HÀ 

DNTN Nhật Ân hiện có khoảng 250 công nhân, trong đó có 28 công nhân KT, số công nhân bị KT khiếm thính là 17 người, còn lại là KT tay, chân. Thu nhập bình quân của công nhân ở đây từ 1,9 đồng/tháng (đã trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội) trở lên, tùy theo năng suất làm việc của mỗi người.

Bà Phan Thị Sen - Trưởng phòng dạy thực hành Trung tâm Phục hồi chức năng và giáo dục trẻ em KT tỉnh: Đây là DN đầu tiên trên địa bàn tỉnh nhận một lượng lớn người KT vào làm việc và được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi. Việc làm của DN là nguồn động viên rất lớn cho những người làm công tác như chúng tôi và gia đình những người KT. Hiện Câu lạc bộ Khiếm thính Biển Xanh có hơn 100 hội viên sinh hoạt nhưng chỉ có 20 hội viên có việc làm và thu nhập ổn định; trong đó có 14 hội viên làm việc tại DNTN Nhật Ân; 80 hội viên còn lại chưa có việc làm”.

.

các thông tin tiện ích