Không tiếp xúc trực tiếp và gần gũi

với người có triệu chứng giống cúm

Thứ Năm, 06/08/2009, 14:39 [GMT+7]

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh cúm A/H1N1, phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ (BS) Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) về cách phòng tránh căn bệnh này.

- P.V: Thưa BS, hiện nay bệnh cúm A/H1N1 đang lan rộng, làm thế nào để không bị lây nhiễm căn bệnh này?

- BS Lê Tấn Phùng: Con đường lây truyền chủ yếu của cúm A/H1N1 cũng giống như các bệnh cúm thông thường, tức là lây truyền thông qua các giọt nước li ti được đưa vào không khí khi nói chuyện, hắt hơi, ho. Chính vì vậy, bạn có thể phòng ngừa nhiễm cúm A/H1N1 bằng cách không tiếp xúc trực tiếp và gần gũi với người có các triệu chứng giống cúm (cố gắng duy trì khoảng cách khoảng 1m nếu có thể được) và thực hiện các biện pháp sau đây: Tránh sờ vào miệng và mũi; rửa tay với xà phòng hoặc với khăn giấy có tẩm cồn, đặc biệt là khi đã sờ vào miệng, mũi hoặc các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm; giảm tối đa thời gian có mặt ở đám đông người; cải thiện sự thông thoáng nơi ở và nơi làm việc bằng cách mở cửa sổ; duy trì các hành vi sức khỏe lành mạnh như ngủ đầy đủ, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, tập thể dục.

- P.V: Được biết, việc sử dụng khẩu trang cũng có tác dụng phòng chống cúm. BS có thể cho biết việc sử dụng khẩu trang như thế nào? Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc mang khẩu trang ra sao?

- BS Lê Tấn Phùng: Nếu bạn không bị ốm, bạn không cần thiết phải đeo khẩu trang. Nếu bạn chăm sóc người ốm, bạn cần mang khẩu trang khi tiếp xúc với người ốm và bỏ khẩu trang ngay sau khi tiếp xúc, rửa tay thường xuyên. Nếu bạn bị ốm và phải đi lại nhiều nơi, bạn phải mang khẩu trang che miệng và mũi. Sử dụng khẩu trang đúng cách trong mọi tình huống là điều căn bản nhất trong phòng, chống cúm A/H1N1. Sử dụng khẩu trang không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

- P.V: Thưa BS, làm thế nào để biết mình bị nhiễm cúm A/H1N1?

- BS Lê Tấn Phùng: Bạn sẽ không phân biệt được sự khác nhau giữa cúm thông thường và cúm A/H1N1 nếu không có sự trợ giúp của cơ quan y tế. Các triệu chứng điển hình của cúm A/H1N1 giống với cúm thông thường, bao gồm: sốt, ho, nhức đầu, đau mình mẩy, đau họng, chảy mũi nước. Chỉ có cơ quan y tế mới có thể khẳng định bạn bị nhiễm cúm A/H1N1 hay không.

- P.V: Trong trường hợp nghĩ rằng mình bị bệnh, người bệnh nên làm gì, thưa BS?

- BS Lê Tấn Phùng: Nếu bạn cảm thấy không được khỏe, sốt cao, ho hay đau họng, bạn cần: Nghỉ ngơi tại nhà, tránh đến nơi làm việc, tránh đến trường học hoặc nơi đông người; uống nhiều nước; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, nếu sử dụng khăn tay thì cần bỏ khăn tay đã qua sử dụng vào thùng rác, xem như một vật lây nhiễm; rửa tay ngay sau khi ho và hắt hơi với xà phòng hoặc khăn giấy có tẩm cồn. Nếu bạn không có khăn tay khi ho, hắt hơi, bạn cần che miệng và mũi bằng tay. Sử dụng khẩu trang để bảo vệ cho người xung quanh và bảo đảm việc sử dụng khẩu trang đúng cách. Báo cho gia đình và bạn bè biết bạn bị ốm và tránh tiếp xúc với người khác. Nếu có thể được, bạn cần trao đổi với nhân viên y tế trước khi đến cơ sở y tế để thảo luận xem có cần phải khám bệnh và xét nghiệm hay không.

- P.V: Nếu một người bị cúm nhưng vẫn cảm thấy bình thường, họ có nên đi làm, thưa BS?

- BS Lê Tấn Phùng: Không nên. Dù bạn bị mắc cúm thông thường hay cúm A/H1N1, bạn cũng không nên đi làm trong khi bị ốm. Điều này giúp bảo vệ cho đồng nghiệp và những người khác.

- P.V: Thế còn việc đi du lịch?

- BS Lê Tấn Phùng: Nếu bạn cảm thấy không được khỏe hoặc có triệu chứng giống cúm, bạn không nên đi du lịch. Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ về sức khỏe của mình, bạn nên đến các cơ sở y tế để được giúp đỡ.

- P.V: Xin cảm ơn BS.

BẢO DUY (Thực hiện)

.

các thông tin tiện ích