Điều tra dân số và nhà ở

để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Ba, 31/03/2009, 14:59 [GMT+7]
Tiến sĩ Châu Văn Luận.

Ngày 1-4-2009, cuộc tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở (DSVNƠ) năm 2009 được thực hiện trên phạm vi cả nước. Bên cạnh việc đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước giai đoạn 2000 - 2009, định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2010 - 2020, cuộc TĐT DSVNƠ lần này còn cung cấp các thông tin giám sát thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Châu Văn Luận - Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) TĐT DSVNƠ tại tỉnh Khánh Hòa về vấn đề này.

- P.V: Xin Tiến sĩ cho biết mục đích và tầm quan trọng của cuộc TĐT DSVNƠ lần này?

- Tiến sĩ Châu Văn Luận: Ngày 10-7-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 94/2008-QĐ-TTg về tổ chức TĐT DSVNƠ năm 2009. Đây là cuộc điều tra, thống kê lớn nhất trong các cuộc điều tra, thống kê. Theo thông lệ quốc tế, cuộc TĐT này thường tiến hành 10 năm một lần. Mục đích của cuộc TĐT DSVNƠ lần này nhằm thu thập thông tin cơ bản về DSVNƠ trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, phục vụ cho công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển DSVNƠ trên phạm vi cả nước, từng địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) thời kỳ 2001 - 2010 và xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020; phục vụ công tác giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Cuộc TĐT này xuất phát từ mục đích và tầm quan trọng của yếu tố DSVNƠ trong phát triển kinh tế của đất nước. TĐT DSVNƠ luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu trong các chính sách phát triển KT-XH của Đảng, Nhà nước ta. TĐT DSVNƠ là công tác phức tạp, tốn nhiều công sức, tiền của, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và từng người dân.

- P.V: Xin Tiến sĩ cho biết sự chuẩn bị của Khánh Hòa về cuộc TĐT DSVNƠ đến thời điểm này?

- Tiến sĩ Châu Văn Luận: Nhận thức tầm quan trọng và tính chất phức tạp của cuộc TĐT DSVNƠ, BCĐ Trung ương đã ban hành phương án TĐT. Trong đó, quá trình TĐT DSVNƠ được chia làm 3 bước: bước chuẩn bị; thu thập thông tin và giám sát điều tra; bàn giao tài liệu, tổng hợp công bố kết quả điều tra. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phương án TĐT của BCĐ Trung ương, tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 17-9-2008 về việc thành lập BCĐ TĐT DSVNƠ tỉnh. Tiếp theo, UBND cấp huyện, cấp xã đã thành lập BCĐ của địa phương mình. Đến nay, BCĐ TĐT DSVNƠ đã hoàn thành các công tác chuẩn bị như: Rà soát và phân định ranh giới lãnh thổ hành chính giữa các xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố, phát hiện những nơi có dân cư trú thường xuyên nhưng chưa rõ thuộc đơn vị hành chính nào quản lý để phục vụ công tác vẽ sơ đồ, lập bảng kê, phân công trách nhiệm điều tra; phân định địa bàn điều tra, vẽ sơ đồ, lập bảng kê số nhà, số hộ, số người của địa bàn điều tra. Theo quy định, mỗi địa bàn điều tra ở đồng bằng có quy mô bình quân khoảng 100 - 150 hộ, ở miền núi hải đảo, vùng sâu vùng xa có quy mô bình quân khoảng 70 - 100 hộ. Cuối tháng 2-2009, Khánh Hòa đã hoàn thành công tác vẽ sơ đồ, lập bảng kê. Kết quả, toàn tỉnh có 1.851 địa bàn điều tra gồm: 1.573 địa bàn điều tra toàn bộ và 278 địa bàn điều tra mẫu. Tổng số 372.497 hộ được kê khai với 1.145.820 nhân khẩu. Số liệu dân số thu thập được qua công tác vẽ sơ đồ, lập bảng kê không có chênh lệch nhiều so với số dân cập nhật qua từng năm của Cục Thống kê; dự trù xong kinh phí TĐT của tỉnh gửi BCĐ Trung ương, đồng thời tiếp nhận và phân phối xong các tài liệu, phiếu điều tra, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, cung cấp tài liệu tuyên truyền đến các BCĐ cấp huyện, cấp xã. Hiện nay, BCĐ TĐT các cấp đang triển khai các công tác còn lại của bước chuẩn bị cho cuộc TĐT ngày 1-4; đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của TĐT DSVNƠ để nhân dân hiểu rõ và hưởng ứng, giúp cán bộ điều tra hoàn thành nhiệm vụ. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 05 về việc tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt cuộc TĐT DSVNƠ thời điểm ngày 1-4; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương đồng loạt mở đợt tuyên truyền về cuộc TĐT. Ở cấp xã sẽ treo nhiều khẩu hiệu, logo, áp phích và tổ chức cổ động cho cuộc TĐT trên các tuyến phố chính vào các ngày 30 – 31-3. BCĐ TĐT ở tỉnh Khánh Hòa mở 2 đường dây điện thoại: 058. 3527.406 và 058. 3.527.416 để nhận và giải thích các ý kiến khi người dân gọi đến. BCĐ cấp xã tổ chức tổng rà soát, cập nhật sơ đồ và bảng kê để điều chỉnh lại những biến động về số nhà, số hộ, số nhân khẩu đã xảy ra trong thời gian từ khi vẽ sơ đồ lập bảng kê đến trước thời điểm TĐT; lập kế hoạch bảo vệ trật tự, an toàn cho cuộc TĐT, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suốt qua các cấp để phục vụ cho công tác chỉ đạo TĐT; phân công các thành viên BCĐ và các cán bộ giám sát điều tra các cấp đi cơ sở để kiểm tra, giám sát quá trình điều tra từ ngày 1 – 20-4-2009.

- P.V: Trên cơ sở kết quả TĐT, Cục Thống kê tỉnh có kế hoạch tổng hợp số liệu và xử lý thông tin như thế nào, thưa ông?

- Tiến sĩ Châu Văn Luận: Theo phương án, cuộc TĐT DSVNƠ lần này được tổng hợp chi tiết bằng công nghệ quét tập trung tại 3 trung tâm tin học: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ở các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ tổng hợp sơ bộ và công bố vào tháng 7-2009 một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng số hộ, tổng số nam, tổng số nữ, tổng số cụ lão từ 100 tuổi trở lên (chia ra theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, thành thị và nông thôn). Kết quả chi tiết sẽ được công bố vào quý III/2010. Để phục vụ sự điều hành, chỉ đạo KT-XH của địa phương, Cục Thống kê dự kiến sẽ trình UBND tỉnh cho phép đơn vị được xử lý và tổng hợp bằng máy tính trước khi chuyển phiếu điều tra về các trung tâm tin học. Kết quả tổng hợp tại Cục Thống kê sẽ cho phép phân tích, công bố sớm kết quả điều tra một cách toàn diện liên quan đến 9 nội dung của TĐT gồm: Tình trạng dân số, giới tính, dân tộc, độ tuổi, tôn giáo, thành thị nông thôn; tình trạng di cư; tình trạng học vấn; tình trạng khuyết tật; tình hình lao động, việc làm; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, tử và phát triển dân số; tình trạng nhà ở; một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của hộ dân. Kết quả tổng hợp của Cục Thống kê còn cho phép lưu giữ tài liệu TĐT trên máy, giúp cho việc quản lý dân số ở từng địa bàn dân cư chặt chẽ, khoa học hơn.

- P.V: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

HOÀNG TRIỀU (Thực hiện)

.

các thông tin tiện ích