07:04, 27/04/2018

Những bác sĩ thầm lặng

Phía sau một ca mổ thành công có sự đóng góp không nhỏ của ê-kíp gây mê - hồi sức, nhưng ít ai biết được công việc thầm lặng của những bác sĩ chuyên khoa này…

 

Phía sau một ca mổ thành công có sự đóng góp không nhỏ của ê-kíp gây mê - hồi sức, nhưng ít ai biết được công việc thầm lặng của những bác sĩ chuyên khoa này…


Những người đi trước, về sau


Vừa ra khỏi phòng mổ sau khi thực hiện hoàn tất ca gây mê cho bệnh nhân (BN) thay khớp háng, bác sĩ Phạm Ngọc Hạnh - Khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, Bệnh viên Đa khoa (BVĐK) tỉnh lại tất tả về phòng hồi sức ngoại của khoa, hỗ trợ kíp trực theo dõi các BN tại đây. Có chứng kiến ca trực của các bác sĩ gây mê - hồi sức, tôi mới biết, trong suốt 24/24 giờ trực, mỗi bác sĩ chỉ thực hiện một ca mổ, còn bác sĩ gây mê - hồi sức phải “ôm” tất cả các ca, bất kể sáng sớm hoặc đêm khuya. Do thiếu người nên những ngày lễ, Tết, đội ngũ gây mê - hồi sức ở hầu hết các BV trong tỉnh phải chia nhau trực ngoại viện và nội viện 24/24 giờ.

 

Hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Hạnh đúc kết, cái khó của bác sĩ gây mê - hồi sức là ngoài kiến thức chuyên môn sâu về gây mê - hồi sức, họ còn phải nắm và hiểu chắc các chuyên ngành khác, nhất là nội khoa. Bởi có như thế mới đánh giá chính xác được tình trạng BN để có thể tiên lượng được lượng thuốc gây tê, gây mê phù hợp, an toàn cho người bệnh trong suốt quá trình trong và sau mổ. Để theo được nghề, đòi hỏi người gây mê - hồi sức phải có tâm, luôn bình tĩnh, tỉnh táo trong suốt ca mổ. Bởi trên bàn mổ, giữa sự sống và cái chết rất mong manh, chỉ cần một sơ suất nhỏ của đội ngũ gây mê - hồi sức có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của BN.


Cử nhân Trương Vĩnh Tỵ - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức BVĐK khu vực Cam Ranh cho biết, với những ca phẫu thuật đơn giản và BN trẻ tuổi, nhanh thì 25 - 30 phút BN sẽ tỉnh, nhưng với người già, yếu, nhiều khi phải đến 3 - 4 giờ mới tỉnh. Bác sĩ phẫu thuật xong ra về, còn ê-kíp gây mê - hồi sức phải theo dõi BN đến lúc họ tỉnh hoàn toàn. Đây cũng là phần việc tối quan trọng của ê-kíp, bởi ở giai đoạn này BN rơi vào trạng thái yếu nhất, mỗi biến đổi nhỏ về chỉ số nhịp tim, huyết áp của người bệnh đều phải hết sức thận trọng vì chỉ cần một sơ suất, lơ là nhỏ của ê-kíp cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.  

 

Một thành viên của ê-kíp gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ các dụng cụ mổ cho bác sĩ.

Một thành viên của ê-kíp gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ các dụng cụ mổ cho bác sĩ.

 

Hết mình vì bệnh nhân


Những ngày theo chân đội ngũ gây mê - hồi sức, tôi mới biết họ luôn phải căng mình trong mỗi ca mổ. Bởi đã là gây mê thì ca bệnh nào cũng phải chính xác, nếu không sẽ xảy ra những tai biến khôn lường.


 Bác sĩ gây mê chuyên khoa I Trần Quốc Việt - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh cho biết, một BN được chỉ định phẫu thuật thì người thực hiện gây mê phải gặp trước để khám, đánh giá tình trạng của BN. Từ những ca mổ cho trẻ sơ sinh, trẻ em, người bị tiểu đường, cao huyết áp, tiền sử tai biến… đến những ca phẫu thuật cấp cứu, đội ngũ gây mê - hồi sức chỉ có khoảng 5 phút thực hiện các công đoạn để chuẩn bị. Vì thế, nếu không đánh giá kỹ thì khi thuốc mê vào cơ thể, có những bộ phận trong cơ thể không thích ứng, BN sẽ tử vong ngay, chưa kể hàng trăm biến chứng tiềm tàng trong suốt ca mổ. Có những ca mổ giản đơn, bác sĩ có thể phẫu thuật xong trong 20 phút, nhưng ê-kíp gây mê - hồi sức vẫn phải thực hiện đủ quy trình, nghiêm ngặt như một ca đại phẫu kéo dài hàng giờ đồng hồ. Chính vì thế, đối với người làm công việc gây mê - hồi sức, họ không những thường xuyên phải trang bị kiến thức mà còn đòi hỏi phải có kinh nghiệm và độ nhạy.


Có người vào nghề hơn 5 năm, có người hơn 20 năm, nhưng theo các bác sĩ gây mê - hồi sức, trước, trong và sau mỗi ca mổ, họ luôn căng như dây đàn, chỉ đến khi BN được xuất viện họ mới thở phào nhẹ nhõm. Đã từng được chứng kiến quá trình gây mê - hồi sức và mổ cấp cứu một BN có vết đâm thủng tim, thủng phổi năm 2013 ở BVĐK tỉnh, tôi cảm nhận được sự căng thẳng của họ. Trong 4 giờ diễn ra ca mổ, ê-kíp vừa gây mê, vừa gấp rút truyền máu, vừa căng mắt theo dõi từng chỉ số sinh tồn của BN, tiến hành truyền dịch, thuốc... giữ vững các chỉ số để kỹ thuật viên an tâm khâu vết thương. Sau khi ca mổ hoàn tất, ê-kíp gây mê - hồi sức tiếp tục túc trực bên BN để theo dõi và hồi sức. Nhờ đó, BN đã thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần. Bác sĩ mổ chính Huỳnh Như Quốc Hùng - Khoa Ngoại Lồng ngực cho biết, nhờ đội ngũ gây mê - hồi sức tiến hành gây mê, truyền máu kịp thời, nếu không BN sẽ chết vì sốc mất máu và đau.


 Không chỉ căng mình trong phòng mổ, nhiều trường hợp mổ xong, BN gây mê nội khí quản đã tỉnh, hỏi đã biết nhưng khi vừa rút ống nội khí quản, BN lại bất ngờ rơi vào trạng thái co thắt phế quản, suy hô hấp. Nếu không kịp thời xử lý, BN rất dễ tử vong.


Vất vả, căng thẳng, đầy nguy cơ xảy ra biến cố nhưng phần lớn sau mỗi ca mổ, nhiều người chỉ biết đến bác sĩ phẫu thuật, hiếm BN biết đến ê-kíp gây mê - hồi sức. Nhưng với các bác sĩ khoa này, chỉ cần BN khỏe mạnh xuất viện là họ cảm thấy vui và có thêm động lực để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình…


CÁT ĐAN