11:04, 16/04/2018

Đừng chủ quan với bệnh quai bị

Vài năm gần đây, bệnh quai bị diễn biến khá phức tạp, số người bị bệnh có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn còn chủ quan, khi có triệu chứng thường mua thuốc về nhà tự điều trị, khiến bệnh biến chứng trở nặng khá nguy hiểm.

Vài năm gần đây, bệnh quai bị diễn biến khá phức tạp, số người bị bệnh có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn còn chủ quan, khi có triệu chứng thường mua thuốc về nhà tự điều trị, khiến bệnh biến chứng trở nặng khá nguy hiểm.


Những tháng đầu năm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc các dịch bệnh như: sởi, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết… Trong đó, đáng lo ngại là bệnh quai bị. Theo thống kê của bệnh viện, năm 2016, bệnh viện chỉ điều trị 56 ca quai bị, năm 2017 tăng lên 229 ca và 3 tháng đầu năm 2018 đã có 57 ca. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc quai bị tuy không tăng đột biến nhưng diễn biến bệnh rất phức tạp. Trong số ca mắc, phần lớn khi vào bệnh viện đã bị biến chứng nặng và chủ yếu rơi vào nam giới.

 

Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, hiện bệnh nhân L.N.B.T (18 tuổi, ở Khánh Vĩnh) đã ổn định, không còn đau dữ dội. Bệnh nhân T. cho biết: “Trước khi vào viện, tôi bị sốt, nhức một bên tai nên tự mua thuốc ở ngoài về uống, đến ngày thứ 4 bệnh không giảm mà còn trở nặng. Tôi tới bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh quai bị biến chứng viêm tinh hoàn nặng”. Bé N.T.K.N (5 tuổi, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng sốt cao, 1 bên mang tai sưng đau. Người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi bé bị sốt đã mua thuốc giảm sốt về cho bé uống. Thấy bệnh không khỏi, tai đau dữ dội nên mới đưa bé vào viện. Sau 1 tuần điều trị, hiện sức khỏe bé đã ổn định.

 

Sau một tuần điều trị, bệnh nhân K.N đã ổn định sức khỏe.

Sau một tuần điều trị, bệnh nhân K.N đã ổn định sức khỏe.

 

Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Bệnh quai bị có triệu chứng nhẹ nên người dân khá chủ quan, thường tự mua thuốc về nhà điều trị khi có các triệu chứng sốt, nhức bên tai. Điều này rất nguy hiểm bởi điều trị không đúng cách dễ dẫn đến biến chứng nặng. Như bệnh nhân T., khi vào viện tinh hoàn đã sưng to, việc dùng thuốc uống đã không còn hiệu quả mà phải tiêm”.

 

Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình cho biết: Nên bắt đầu tiêm phòng vắc xin phòng bệnh quai bị từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4 - 12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi, lần 2 từ 4 - 12 tuổi.

Được biết, biểu hiện chính của bệnh quai bị ban đầu là sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C - 40°C, các tuyến mang tai bắt đầu sưng lên và đau, làm cho việc nhai và nuốt đau đớn… Đặc biệt, người bệnh có thể bị viêm tinh hoàn (ở nam giới), viêm buồng trứng (ở nữ giới)... Bệnh quai bị ít gây tử vong nhưng phụ nữ có thai bị mắc bệnh có thể bị sảy thai, đẻ non, ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh. Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bệnh nhân, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não...


Bộ Y tế đã có khuyến cáo về chủ động phòng, chống bệnh quai bị. Theo đó, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị; đồng thời nên tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị. Khi có người nhà bị bệnh, nên cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho người khác. Khi bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời.


KHÁNH HÀ