04:09, 21/09/2017

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn trường học

Những năm gần đây, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong trường học luôn được ngành Giáo dục chú trọng. Nhiều trường đã có các giải pháp vừa bảo đảm được chế độ dinh dưỡng cho học sinh nhưng vẫn kiểm soát được VSATTP.

 

Những năm gần đây, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong trường học luôn được ngành Giáo dục chú trọng. Nhiều trường đã có các giải pháp vừa bảo đảm được chế độ dinh dưỡng cho học sinh (HS) nhưng vẫn kiểm soát được VSATTP.


Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có 14 trường mầm non, 2 trường tiểu học tổ chức bán trú cho HS. Số lượng trường tổ chức bán trú không nhiều. Ông Lê Anh Bằng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lâm cho biết, thời gian qua, công tác đảm bảo VSATTP bếp ăn trường học đều được thực hiện tốt. Mỗi năm, phòng đều chỉ đạo các trường tăng cường đảm bảo VSATTP bếp ăn với nhiều yêu cầu đưa ra như: các cấp dưỡng phải có giấy khám sức khỏe định kỳ; bếp ăn được kiểm tra, có chứng nhận của Chi cục VSATTP; thực phẩm phải được ký cam kết đảm bảo chất lượng… Bên cạnh đó, dịp lễ, Tết, các trường đều tuyên truyền đến HS về việc lựa chọn thực phẩm an toàn để sử dụng. “Hiện nay, chúng tôi chuẩn bị phối hợp với Phòng Y tế, Chi cục VSATTP tổ chức kiểm tra việc chế biến thực phẩm tại các bếp ăn trường học”, ông Bằng nói.

 

Cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Sài (TP. Nha Trang) cho biết, từ năm 2010, khi bắt đầu triển khai lớp học bán trú, nhà trường luôn có kế hoạch cụ thể về việc đảm bảo VSATTP trong nhà trường. Theo đó, các quy trình chế biến thực phẩm, nấu ăn, chia đồ ăn cho HS các lớp, rửa dụng cụ bếp, khay ăn của HS đều phải tuân thủ theo các quy định do Tiểu ban Bán trú của trường đưa ra. Đầu vào của thực phẩm cũng được kiểm soát rất nghiêm ngặt, nhất là với các loại thịt, cá.


Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện thực đơn theo các mùa dịch bệnh, không cho HS ăn các thực phẩm đang có dịch. “Ví dụ như khi có dịch bệnh heo tai xanh, các món ăn của trường đều không có món thịt heo, để đảm bảo 100% HS không ăn phải thức ăn từ động vật bị bệnh. Bên cạnh đó, nhà trường còn triển khai lắp đặt 4 camera trong nhà bếp để lãnh đạo trường giám sát được việc chuẩn bị bữa ăn cho các cháu sát sao hơn. Với những đơn vị cung cấp thực phẩm không đúng yêu cầu, chúng tôi đều lập tức cắt hợp đồng”, cô Yến nói.

 

Bếp ăn tại Trường Tiểu học Phương Sài

Bếp ăn tại Trường Tiểu học Phương Sài

 

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 97 trường tiểu học, 183 trường mầm non có bếp ăn tập thể. Trong đó, 100% các trường tại TP. Nha Trang, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tổ chức bán trú cho HS. Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, qua công tác kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng, hầu hết các trường có tổ chức bếp ăn bán trú cho HS đều đã xây dựng được mô hình bếp ăn một chiều, các quy trình chế biến thực phẩm được tuân thủ theo một chiều duy nhất, bảo đảm vệ sinh từ khâu tiếp nhận, bảo quản đến chế biến thực phẩm phục vụ HS. Những năm qua, công tác VSATTP trong bếp ăn trường học được thực hiện tốt, không có trường hợp ngộ độc nào xảy ra.


Hiện nay, ngành Giáo dục đã triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp dụng trong các trường mầm non và tiểu học. Việc triển khai phần mềm giúp các trường xây dựng được chế độ ăn cân đối, đa dạng, hợp lý, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của HS, tránh tình trạng suy dinh dưỡng hay béo phì ở trẻ. “Mỗi năm học, chúng tôi đều có rất nhiều văn bản chỉ đạo việc đảm bảo VSATTP tại các trường học. Đối với các đơn vị sản xuất, cung cấp thực phẩm bị đánh giá không đạt yêu cầu, sở đều có thông báo về các địa phương, trường học, yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ vấn đề VSATTP trong bếp ăn trường học, đồng thời triển khai rộng rãi phần mềm quản lý dinh dưỡng cho HS. Qua đó, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho HS”, ông Thuần chia sẻ.


VĨNH THÀNH