09:08, 07/08/2018

Người chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo

19 năm qua, thầy giáo Nguyễn Min (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ, thôn 1, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) luôn là người truyền "lửa" cho nhiều thế hệ học trò, giúp các em vượt qua khó khăn, vững bước đến trường…

19 năm qua, thầy giáo Nguyễn Min (Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, thôn 1, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà) luôn là người truyền “lửa” cho nhiều thế hệ học trò, giúp các em vượt qua khó khăn, vững bước đến trường…


Tấm chân tình của thầy


Tuổi thơ của thầy Min không vô lo như nhiều bạn cùng trang lứa. Mẹ bệnh, bị liệt nửa người từ khi cậu út Min mới 8 tháng tuổi nên từ lúc nhỏ, Min luôn ước mơ sau này sẽ làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ. Khi cậu 5 tuổi, mẹ qua đời; rồi cha đi bước nữa. Cuộc sống của 4 anh em thay đổi rất nhiều, nhưng Min vẫn tâm niệm thực hiện lời hứa trước lúc mẹ mất: trở thành bác sĩ. Gia cảnh khó khăn nhưng cậu vẫn luôn cố gắng học giỏi và còn hăng hái tham gia các phong trào hoạt động. Suốt những năm cấp 2, cậu làm liên đội trưởng và từng đạt giải cao nhất tại cuộc thi liên đội trưởng giỏi toàn thị xã.

 

 Thầy Min trong giờ dạy môn Tin học.

Thầy Min trong giờ dạy môn Tin học.


Năm lớp 12, Min đăng ký thi ngành Y, đồng thời thi thêm ngành Sư phạm theo mong muốn gia đình và đậu cả hai. Tuy nhiên, do nhà nghèo, cậu phải gác lại ước mơ làm bác sĩ, theo học ngành Lịch sử Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang để ra trường nhanh hơn học Y.


Năm 1999, thầy Min nhận công tác tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, sau đó học tiếp đại học ngành Công nghệ thông tin. Dù vậy, thầy vẫn chưa thôi khắc khoải về lời hứa với mẹ. Thầy tâm sự: “Có lẽ vì vậy, hễ gặp trường hợp bỏ học, chán học, tôi lại cố vận động và tự nhủ, phải giúp các em nỗ lực học tập mới có cơ hội đạt được ước mơ, không phải nuối tiếc”.  


Thực tế, 19 năm đi dạy và vận động học sinh (HS) của thầy Min không đơn giản. Thầy Min vẫn nhớ rõ khi ấy trong lớp có cả những em vừa học xong lớp xóa mù chữ, hoặc “đúp” vài năm. Trung bình mỗi năm, trường có gần 20 em bỏ học, phần vì nghèo, phần vì đường đến trường quá xa, nhất là vào mùa mưa, HS phải đi vòng qua đường đập Đá Bàn, xa thêm khoảng 4km. Hễ biết tin HS nghỉ học, bỏ học, thầy Min cùng giáo viên chủ nhiệm lại đạp xe, lội suối tới nhà vận động. Thầy Min kể về một trường hợp ở thôn 4, em này học rất khá nhưng đột nhiên bỏ học khi chỉ còn 2 tháng là tốt nghiệp. Tìm tới căn nhà chưa tô, nơi gia đình em này ở nhờ, hai thầy đã ngồi cả buổi thuyết phục gia đình để em có cơ hội học tiếp. Nhờ sự chỉ bảo, quan tâm của các thầy, năm đó, em đã tốt nghiệp với điểm số khá cao, sau đó đi học nghề quản trị nhà hàng, khách sạn và đi làm phụ giúp gia đình.   


Truyền “lửa” cho học sinh

 

Ông Lê Quang Thạch - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa: Thầy Nguyễn Min tâm huyết với nghề, có chuyên môn rất tốt, luôn nỗ lực tìm phương pháp dạy học mới, giúp HS dễ tiếp thu. Thầy là một trong những giáo viên có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục thị xã Ninh Hòa, luôn được nhà trường, phụ huynh tin tưởng, HS kính trọng. Từ năm 2011 đến nay, thầy bồi dưỡng HS giỏi môn Tin học, huấn luyện đội tuyển cờ vua tham gia các kỳ thi và đạt thành tích cao ở cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Thầy cũng là Tổng phụ trách Đội nhiệt tình, tổ chức nhiều hoạt động đội bổ ích. Liên đội do thầy phụ trách 18 năm liền đạt liên đội mạnh của thị xã, hiện là liên đội mạnh cấp tỉnh. 11 năm liền, thầy được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được nhận bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ; vừa qua được đề nghị tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Nhằm tạo động lực cho HS, thầy Min đã đề nghị ban giám hiệu tổ chức những cuộc thi kiến thức chuyên đề theo kiểu học mà chơi. Những cuộc thi đó tạo ra không khí vô cùng hào hứng, phấn khởi trong nhà trường, giúp học sinh có thêm động lực để “mỗi ngày tới trường là một niềm vui”. Với vai trò là Tổng phụ trách Đội, thầy Min luôn là người tạo ra các hoạt động, phong trào sôi nổi. Thầy lập ra câu lạc bộ phát thanh măng non, chọn 4 chủ điểm về 4 ngày kỷ niệm lớn rồi tổ chức thi luân phiên từng năm với từng khối lớp. Thầy cũng phối hợp với trạm y tế, giáo viên thể dục lập câu lạc bộ chữ thập đỏ, tập huấn cách sơ cứu tai nạn thương tích khi bị rắn cắn, bị đuối nước, cách gọi cứu nạn… Thầy còn đề nghị nhà trường lên kế hoạch cải cách lề lối dạy - học, đưa ra tiêu chí thi đua và lộ trình thực hiện. Qua 3 năm, đến năm học 2004 - 2005, trường đã có 16 em đạt HS giỏi toàn thị xã. Thầy Min còn nhiệt tình, tâm huyết truyền lại các kỹ năng hoạt động đội cho thế hệ sau.


Là giáo viên dạy Tin học, thầy Min cũng vận động nhiều trò giỏi tham gia đội tuyển dự thi các cấp, đạt nhiều thành tích. Đối với em Võ Trường Lộc, ấn tượng nhất về thầy là khi em năn nỉ xin ra khỏi đội tuyển Tin học sau vài ngày học chỉ vì chưa tự tin, thầy Min chính là người đã giúp Lộc củng cố kiến thức, tận tình cùng em khám phá sự thú vị đối với môn học này. Cuối năm đó, Lộc được giải nhì Tin học toàn thị xã. Năm lớp 12, Lộc đăng ký thi ngành Công nghệ thông tin và cả ngành Y theo ý cha, rồi trúng tuyển cả 2 trường. “Ngày đến nhà tôi báo tin em quyết định chọn Đại học Bưu chính viễn thông, ngành Công nghệ thông tin, Lộc chỉ nói giản dị: Em sẽ theo thầy, quyết tâm theo đuổi đam mê mà thầy đã khơi dậy; tôi xúc động vô cùng”, thầy Min tâm sự.


Thầy Min cũng chủ động tìm hiểu, thuyết phục nhiều phụ huynh tự tin cho con dự thi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khi nhận thấy HS có năng khiếu về môn học nào đó. Thầy Lê Văn Hóa - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ cho biết, đến nay, trường đã có 12 HS thi đậu trường chuyên. Năm học vừa qua, trường được đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua đơn vị dẫn đầu cấp THCS thị xã Ninh Hòa.


Thầy Min trải lòng: “Có lẽ, chính lời hứa không thành với mẹ năm xưa đã giúp tôi có cơ hội trở thành giáo viên, để được dồn tâm huyết cho thế hệ sau, được động viên các em học tốt để theo đuổi ước mơ, để sau này đừng tiếc nuối. Con trai tôi cũng vừa thi đậu chuyên Toán Lê Quý Đôn, cháu nói sẽ không theo ngành Y như cha mong mỏi. Nghe vậy, tôi không buồn mà lại thấy vui, vui vì con đã trưởng thành, quyết tâm thực hiện ước mơ của bản thân, thay vì thụ động thực hiện ước mơ của cha”.


19 năm qua, “thầy giáo làng” Nguyễn Min đã nâng cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò chỉ với tâm niệm: xuất phát điểm của mỗi người tuy khác nhau nhưng không quyết định được thành công sau này. Có ước mơ là đáng quý; dám thực hiện ước mơ còn quý hơn nhiều. Nhưng để thực hiện ước mơ, nhất định phải có kiến thức và kiên trì nỗ lực.


THIỀU HOA - CẨM VÂN